05:22 12/05/2016

Xu hướng sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch

Hiện nay, vấn nạn thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang. Để có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời chuẩn bị tâm thế cho hội nhập, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm sạch.

Đầu tư cho sản xuất

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết với hơn 40 năm kinh doanh trứng gà, nhưng chỉ từ khi công ty đi theo hướng trứng sạch cách đây 10 năm, thời điểm đại dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại, thương hiệu Ba Huân mới được người tiêu dùng biết đến. Để có sản phẩm trứng sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Công ty Ba Huân không chỉ đầu tư dây chuyền xử lý trứng sạch, sát khuẩn đến trên 99% của Hà Lan mà còn đầu tư 390 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy Thực phẩm Đức Hòa (tại Long An), Nhà máy Xử lý và Chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân Miền Bắc…

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết không chỉ đơn vị Ba Huân mà nhiều DN, sản xuất, phân phối đã xây dựng thương hiệu sạch. Điển hình đơn vị Vissan đã tiên phong trong việc cung cấp thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP. Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lân, Giám đốc kinh doanh Vissan cho hay, xu hướng hiện nay của người tiêu dùng là cần các sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do vậy, Vissan cũng đang theo xu hướng này. Theo đó, ngày 15/4/2016 vừa qua Vissan đã cung cấp 100% heo VietGAP trên toàn bộ hệ thống kinh doanh thịt tươi sống của công ty. Trong đó, có146 điểm bán tại các chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh và 309 điểm tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích thuộc TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. “Heo VietGAP mà Vissan cung ứng ra thị trường dự kiến là 70 tấn/ngày, tăng hơn 100% so với thời điểm ban đầu công bố. Để có đủ nguồn heo sạch này, ngoài tự sản xuất các sản phẩm sạch từ heo, Vissan đã liên kết với 228 hộ dân tại một số tỉnh đi theo mô hình mẫu của Vissan để cung cấp heo theo tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường”, ông Lân cho biết thêm.

Còn theo bà Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, ngoài sản phẩm sạch thì cần có sản phẩm đặc thù. Cụ thể, gà công nghiệp Việt Nam bị gà công nghiệp Mỹ cạnh tranh do giá rất rẻ. Với sự cạnh tranh khốc liệt này, DN nội không thể đứng im tại chỗ đứng nhìn mà phải tìm hướng đi khác biệt. Theo đó, Công ty San Hà tìm đến con gà ta. Đây là giống gà đang được yêu thích của người tiêu dùng. Nhờ đó, San Hà đã thành công với thương hiệu gà ta. Sau thành công này, San Hà đã tiếp tục đến với giống gà ta thảo mộc ở Đồng Nai, vịt giời ở Tây Ninh…

Tạo dựng mô hình kinh doanh

Bên cạnh phát triển sản phẩm sạch, khác biệt, nhiều DN cũng đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu thông qua việc triển khai các mô hình kinh doanh thực phẩm sạch, từ đó có thể định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch ở những điểm cung ứng uy tín. Cụ thể xây dựng “Điểm phân phối, bán hàng đạt chuẩn an toàn”.

Đến nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã công bố 308 điểm phân phối, bán hàng đạt chuẩn an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để giới thiệu cho người tiêu dùng những điểm mua sắm tin cậy, giá cả ổn định. Song song đó, tiếp tục khuyến khích các DN xây dựng cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch gắn mác “thực phẩm chuỗi”. Các sản phẩm tại đây đều đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn nhờ được quản lý theo mô hình khép kín, kiểm soát chặt từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến chế biến. Tính đến nay, đã có hơn 50 DN của TP Hồ Chí Minh và các địa phương tham gia chuỗi, với số lượng mặt hàng đạt tiêu chuẩn lên đến gần 100 sản phẩm, cung ứng tổng sản lượng 32.518 tấn hàng hóa mỗi năm. Các mặt hàng gồm: rau củ quả đạt 16.118 tấn/năm, thịt heo (8.559 tấn/năm), thịt gà (7.665 tấn/năm), trà (140 tấn/năm), thủy sản (36 tấn/năm), trứng gia cầm (gần 35 triệu quả/năm)...

DN nội hiện đang hướng tới sản phẩm sạch, khác biệt để cạnh tranh thị phần trên sân nhà.

Sở Công Thương cũng tập trung triển khai dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại 2 chợ là Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Các nhóm mặt hàng được chọn để thực hiện tại chợ Bến Thành là ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm; rau củ quả và ngành hàng ăn uống. Đối với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, các bên cũng thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, đồng thời đầu tư để nâng cấp một phần khu vực rau củ quả để triển khai đề án.

Ông Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận, ở ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, khả năng thực hiện thí điểm mô hình ATTP thành công là rất cao, vì hiện nay nguồn thịt về chợ đều đã thực hiện tốt công đoạn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng ở nhóm rau củ quả và thủy hải sản cần có thời gian mới thực hiện được, vì đây không nằm trong những nhóm hàng sản xuất tập trung, khó quản lý đầu vào. “Về lâu dài, nếu thành phố triển khai tốt mô hình này, thì cùng với Vissan, chợ Hóc Môn sẽ là đầu mối cung cấp thịt heo uy tín đến các điểm bán lẻ ở các chợ truyền thống, các cửa hàng, siêu thị. Khi đó, thành phố sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc triển khai rộng rãi mô hình chợ an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn, từng bước đẩy lùi hàng không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Phương nói.
Bài và ảnh: Hải Yên