08:14 29/08/2019

Xu hướng ngại kết hôn của giới trẻ Trung Quốc và những hệ lụy

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, điều này đặt ra thách thức lớn trong nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng, ổn định kinh tế và giải quyết vấn đề nhân khẩu học của quốc gia châu Á này.

Chú thích ảnh
Đôi vợ chồng sắp cưới chụp ảnh tại một studio ở Trung Quốc. Nguồn: AFP

Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, năm 2018 tổng cộng chỉ có 10,14 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm 4,6% so với năm trước. Xu hướng này tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2019 khi thế hệ trẻ không muốn kết hôn vì lo ngại vấn đề tài chính ở thời điểm nền kinh tế suy yếu. Tỷ lệ kết hôn giảm nhanh chóng kết hợp với tỷ lệ sinh thấp đang đặt ra nhiều vấn đề cho đất nước có nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới.

Ông Liang Zhongtang, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định nguyên nhân của xu hướng giới trẻ hờ hững với hôn nhân là do suy giảm quy mô dân số trẻ, hậu quả của chính sách một con được duy trì từ năm 1970 đến cuối năm 2015, cũng như áp lực ngày càng cao với tài chính cá nhân.

“Nhiều người không dám lập gia đình và sinh con”, ông Liang, người đã dành nhiều năm để vận động Chính phủ Trung Quốc từ bỏ chính sách sinh đẻ nghiêm ngặt, cho biết.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời ông Liang Zhongtang nhận định: “Trung Quốc có khoảng 300 triệu lao động di cư, những người này thường có mức thu thập nhấp, công việc không ổn định và không được tiếp cận với các chính sách xã hội. Chính vì vậy, họ khó hòa nhập với cuộc sống thành thị”.

Suy nghĩ ngại kết hôn ngày càng phổ biến trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc, đây cũng là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đau đầu khi buộc phải khẩn trương tìm cách thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình để kinh tế tăng trưởng ổn định. “Tôi hy vọng mức sống sẽ được cải thiện. Tất cả bạn bè của tôi đều đồng ý rằng điều kiện kinh tế của vợ chồng là nền tảng của một cuộc hôn nhân tốt đẹp”, cô Cecelia Hu (26 tuổi) – chuyên gia quan hệ công chúng tại Bắc Kinh, người đang dùng phần lớn tiền lương để tiết kiệm và đầu tư, chia sẻ.

Tiêu dùng cá nhân chiếm hơn 60% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II năm 2019 và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để bù đắp tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc hy vọng tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người dân.

Để hỗ trợ tiêu dùng, chính phủ nước này đã cắt giảm thuế thu nhập cá nhân vào năm 2018, đồng thời đưa ra chính sách trợ cấp mua hàng tiêu dùng trong năm nay. Tuy nhiên, những động thái này vẫn chưa thể đảo ngược sự phát triển chậm lại của nền kinh tế.

Tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ từ mức 9,8% trong tháng 6 đã giảm mạnh xuống còn 7,6% trong tháng 7. Doanh số bán ô tô – mặt hàng quan trọng đối với các gia đình trung lưu Trung Quốc - giảm mạnh với chỉ 11,5 triệu xe bán ra vào tháng 7, đây là đà giảm liên tục của mặt hàng này trong suốt 13 tháng.

Ông Xia Dan, nghiên cứu viên Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, cho biết những thay đổi về nhân khẩu học như suy giảm tỷ lệ kết hôn, tỷ lệ sinh, già hóa dân số chính là những yếu tố chính định hình lại xu hướng tiêu dùng. Tỷ lệ kết hôn thấp dẫn tới nhu cầu chi tiêu ít hơn.

Chú thích ảnh
Cô dâu chọn váy cưới tại một studio ở Trung Quốc. Nguồn: AFP

Một đám cưới điển hình của Trung Quốc bao gồm những khoản chi tiêu lớn, mua sắm các mặt hàng đắt tiền như xe hơi, đồ gia dụng, đồ trang sức cũng như các dịch vụ liên quan như tổ chức tiệc cưới, ăn uống và du lịch. 

Theo Viện nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan, chi tiêu liên quan đến đám cưới của người Trung Quốc được ước tính lên tới 1,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ mỗi năm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khoản mua bất động sản của các đôi vợ chồng mới cưới, vốn hỗ trợ kích thích thị trường bất động sản, công nghiệp vật liệu xây dựng cũng như đồ nội thất và đồ gia dụng.

“Mặc dù giá trị gia tăng trong lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 6,6% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng đóng góp thực tế của nó có thể lên tới 20%”, ông Xia cho biết thêm.

Năm 2018, Hiệp hội Công tác Xã hội Trung Quốc đã lập ra quỹ trợ cấp tiêu dùng hôn nhân tại một số thành phố như Thái Nguyên, Đại Đồng, Hàng Châu, Vu Hồ và Đồng Lăng... Quỹ cũng đã cấp cho những đôi vợ chồng mới cưới một khoản trợ cấp nhỏ, khoảng 5% giá trị sản phẩm cho một số mặt hàng nhất định. Bên cạnh đó, quỹ cũng đã phân bổ 95 triệu Nhân dân tệ thông qua chương trình này cho tỉnh Sơn Tây năm 2018.

Tuy nhiên, số tiền trợ cấp cũng không thể ngăn chặn xu hướng giảm kết hôn trong thời gian dài, khi số lượng đăng ký kết hôn năm ngoái tại Thái Nguyên giảm 1.160 trường hợp.

"Căn bệnh ngại hôn nhân" cũng làm trầm trọng thêm vấn đề gia tăng dân số của đất nước này, khiến dân số giảm nhanh chóng. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi chính sách sinh đẻ vào năm 2015 cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nhưng số trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục giảm mạnh, đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc từ bỏ chính sách một con.

Hải Vân/Báo Tin tức