01:18 02/01/2019

Xu hướng mới trong phát triển điện năng lượng mặt trời

Thời gian gần đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc lắp đặt, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời tại các hộ dân đang là xu hướng mới.

Chú thích ảnh
Pin điện năng lượng mặt trời được lắp áp mái của một hộ dân tại thành phố Vũng Tàu. 

Nếu như trước đây, chỉ những hộ dân ở các làng bè hoặc những nơi chưa có điện lưới quốc gia mới có nhu cầu lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời, thì nay, xu hướng sử dụng điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi. Các hộ dân ở các đô thị bắt đầu chuyển sang lắp và sử dụng song song 2 loại điện năng lượng mặt trời và điện lưới quốc gia. Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng điện mặt trời.

Gia đình ông Bùi Bộ, địa chỉ 52 Nguyễn Mạnh Hùng, phường Long Toàn, thành phố Bà Rịa là một ví dụ. Gia đình ông Bộ đã lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời từ tháng 11/2017, với công suất 3 kWp, với tổng chi phí hơn 70 triệu đồng. Với hệ thống pin năng lượng mặt trời này, mỗi ngày sản sinh ra trung bình 11 - 17 kw/ngày.

Trước đây khi chưa lắp pin năng lượng mặt trời, với các thiết bị điện trong gia đình như: 2 máy lạnh, 1 tủ lạnh, quạt, điện thắp sáng, bếp điện và bơm nước để tưới vườn cây cảnh hàng ngày…, mỗi tháng gia đình ông phải trả khoảng 900 nghìn đồng tiền điện. Từ khi sử dụng nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời, nguồn điện rất ổn định và ông chỉ phải trả mỗi tháng khoảng 300 nghìn đồng tiền điện, giảm hơn 50% tiền điện mỗi tháng. 

Còn gia đình anh Nguyễn Phan Sâm, ở địa chỉ 850/5H, đường 30/4, phường 11, thành phố Vũng Tàu cũng đã giảm được tiền điện được hơn 50% từ khi lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời (từ tháng 7/2018). Với hệ thống pin có công suất 2 kWp lượng điện năng lượng sinh ra mỗi ngày từ 10 - 12 kw điện. Lượng điện này, đủ phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị như: máy lạnh, tủ lạnh, quạt, máy bơm nước phục vụ tưới cho trang trại nhỏ, bơm nước vào hồ cá…

“Nhu cầu sử dụng điện của gia đình nhiều, trong khi giá điện năm nào cũng leo thang nên tôi đã tìm hiểu và quyết định lắp đặt điện năng lượng mặt trời để sử dụng. Từ khi sử dụng nguồn điện năng này, tiền điện mỗi tháng giảm từ 740.000 đồng xuống còn 370.000 đồng. Tôi đang chuẩn bị lắp đặt thêm 1 kWp để bảo đảm nhu cầu sử dụng của gia đình”, anh Sâm cho biết thêm. 

Nhu cầu lắp pin năng lượng mặt trời của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần tăng cao, nên các công ty chuyên bán pin và lắp đặt điện năng lượng mặt trời cũng theo đó phát triển.

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện và Năng lượng Vũ Sơn, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa cho biết, công ty thành lập năm 2013, chủ yếu cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời cho các làng bè không có điện lưới quốc gia từ khu vực miền Trung trở vào tới Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, công ty đã chuyển hẳn địa bàn kinh doanh về Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, do nhu cầu của người dân ở các khu vực này tăng cao. “Năm 2018, lượng khách hàng đang dùng điện lưới quốc gia lắp thêm điện năng lượng mặt trời của công ty tôi tăng khoảng 70% so với năm 2017, với tổng công suất đã được lắp đặt khoảng 200 kWp”, ông Nguyễn Vũ nói. 

Chú thích ảnh
Nhân viên của Công ty TNHH Công nghệ xanh Nam Tiến lắp điện hệ thống pin điện năng lượng mặt trời cho một hộ dân ở thành phố Bà Rịa. 

Dù mới thành lập từ tháng 9/2017, nhưng Công ty TNHH Công nghệ xanh Nam Tiến, phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa đã có rất đông khách hàng đăng ký lắp đặt pin và thiết bị năng lượng mặt trời.

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2017, khi mới thành lập, lượng khách hàng lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời của công ty chỉ khoảng 10 khách hàng, với công suất lắp đặt 20 kWp thì hết năm 2018 đã tăng lên tới hơn 80 khách hàng, với công suất lắp đặt 200 kWp. Gần đây, khách hàng đăng ký lắp đặt tăng cao khiến công ty phải thi công cả thứ 7, chủ nhật mới kịp phục vụ. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển điện năng lượng mặt trời. Bình quân, Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 2.000 - 2.600 giờ nắng/năm, cường độ bức xạ trung bình cao, khoảng 5,47 kWh/m2/ngày. Khi khách hàng lắp pin năng lượng mặt trời, ngành điện kiểm tra các thiết bị, nếu đạt yêu cầu sẽ lắp đặt công tơ hai chiều để ghi nhận lượng điện sinh ra và lượng điện phát lên lưới điện.

Chính phủ đã có chính sách mua lại lượng điện phát lưới từ các hộ dùng pin năng lượng mặt trời, nhưng phương thức bán điện còn chờ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thông qua nên mới chỉ dừng ở việc ghi nhận số dư điện năng lượng mặt trời của các hộ dân khi hòa vào lưới điện quốc gia để làm cơ sở quyết toán sau này. 

Việc chỉ mới dừng ở việc ghi nhận số dư điện năng lượng mặt trời của các hộ dân khi hòa vào lưới điện quốc gia đang là rào cản khiến nhiều người dân còn “đắn đo” khi đi đến quyết định đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Cùng với đó, việc chi phí lắp đặt điện năng lượng mặt trời còn khá cao khiến nhiều hộ dân chưa dám mạnh dạn đầu tư.

Anh Nguyễn Phan Sâm đề nghị, cần tuyên truyền để người dân hiểu về việc sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi để người dân tiếp cận điện năng lượng mặt trời như: cho vay vốn ưu đãi khi lắp đặt điện năng lượng mặt trời hoặc hỗ trợ các hộ dân khi lắp đặt nguồn năng lượng này…

Ông Trần Thanh Hải, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 130 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt gần 1.000 kWp, trong đó có một số hệ thống có công suất lớn như: Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu (140 kWp), Điện lực Côn Đảo (100 kWp), Nhà máy Điện An Hội - Côn Đảo (36 kWp), Khách sạn Sammy - Vũng Tàu (40 kWp), Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (30 kWp)… Ngoài Văn phòng công ty và Điện lực Côn Đảo, ngành điện đã triển khai hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái cho tất cả các điện lực còn lại trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay việc thu hút đầu tư về năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đúng theo quy định, chiến lược phát triển năng lượng đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 dự án xác định được các chủ đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển điện gió với tổng công suất 312,5 MW, tổng mức đầu tư khoảng 7.755 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng 306,87 ha. 

Dựa trên các cơ sở pháp lý về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh cũng đã cụ thể hóa các chính sách trong Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch, Chương trình của UBND tỉnh, Sở Công Thương. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách trên thực tiễn còn gặp rất nhiều khó khăn như: việc quản lý nhà nước trong việc phát triển nguồn năng lượng trước yêu cầu phát triển bền vững còn hạn chế; một số quy định về ưu đãi đầu tư cho phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường chưa được triển khai đầy đủ. 

Bên cạnh đó là giá bán điện các dạng năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong khi đó, việc triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn chậm do còn vướng về cơ chế về giá bán điện (điện gió không nối lưới), năng lực tài chính của một số chủ đầu tư chưa cao, thiếu thiện chí trong việc triển khai dự án; quỹ đất phát triển năng lượng tái tạo tương đối lớn, nguồn vốn đầu tư cao đã gây khó khăn cho công tác triển khai. 

Xu thế công nghệ phát điện từ năng lượng gió và năng lượng năng lượng mặt trời đã và đang có triển vọng lớn. Đồng thời, là giải pháp hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra về an ninh năng lượng. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích và khắc phục những rào cản để thực hiện có hiệu quả nhằm đảm bảo sự phối hợp tối ưu giữa các nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)