07:05 10/07/2018

Xu hướng liên kết đào tạo nghề với trường THPT

Vừa học văn hóa vừa học nghề nhằm giúp các học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể vào ngay thị trường lao động đang là một trong những hướng phân luồng mới.

 

Học sinh vừa học nghề tại trường trung cấp, vừa có thể học văn hóa để tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Theo quy chế thi THPT quốc gia, từ năm 2018, chỉ cần hoàn tất học phần 6 môn văn hóa và có bằng trung cấp là học sinh có thể dự thi THPT quốc gia như những thí sinh khác. Đây sẽ là điểm mới để khuyến khích nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề, đồng thời mở ra hướng liên kết đào tạo mới.

Theo đó, năm học 2018 – 2019, Trường Trung cấp gghề Du lịch Hà Nội (HHTC) kí kết hợp tác trong đào tạo song bằng cùng trường THPT Hồ Tùng Mậu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với chỉ tiêu tuyển sinh 100. Việc xét tuyển dựa trên tiêu chí xét học bạ (chiếm 30%) và kết quả thi vào lớp 10 của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội (chiếm 70%). Với tổng thời gian đào tạo là 3 năm, học sinh sẽ học 6 buổi/tuần cho chương trình PTTH.

Các chương trình Trung cấp sẽ học đan xen vào các buổi chiều từ giữa lớp 10 đến giữa lớp 11. Thời gian lớp 12 tập trung cho công tác ôn thi tốt nghiệp PTTH. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ nhận được bằng tốt nghiệp THPT do trường Hồ Tùng Mậu cấp và bằng trung cấp nghề do Trường HHTC cấp theo các ngành nghề đã đăng ký.

Học sinh sau khi tốt nghiệp và nhận bằng của HHTC sẽ được đảm bảo 100% việc làm (nếu sau 3 tháng không được giới thiệu việc làm, Trường HHTC cam kết hoàn trả toàn bộ học phí đào tạo nghề cho học viên). Học phí trọn gói của chương trình song bằng này được chia theo chương trình học, với học phí của THPT là 29 triệu và học phí của đào tạo nghề trung cấp từ 30 – 40 triệu theo từng nghề mà học sinh lựa chọn. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được quyền dùng bằng trung cấp nghề chính quy để đăng ký dự thi đại học chính quy (thay cho bằng THPT) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể thẳng tiếp lên trình độ trung cấp và tham gia thi THPT khi hoàn thành môn học văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh rút ngắn thời gian đào tạo để tham gia thị trường lao động.

Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, phương thức tuyển sinh đào tạo song bằng này hiện còn khá mới và sẽ dần thịnh hành thời gian tới vì rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, vừa học nghề vừa hoàn chỉnh văn hóa bậc THPT, có thể liên thông lên CĐ (1 năm), ĐH (2,5 năm).

 

XC/Báo Tin tức