10:08 28/10/2014

Xu hướng dịch chuyển của các ngân hàng Thụy Sĩ

Các ngân hàng Thụy Sĩ đang cố gắng quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp và chuyển dịch sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim tại Thụy Sĩ xung quanh vấn đề này.

Chính phủ Thụy Sĩ gần đây đã quyết định sẽ đàm phán với các nước đối tác về chương trình trao đổi tự động thông tin tài khoản với khả năng cơ chế bảo mật ngân hàng nghiêm ngặt ở Thụy Sĩ bị dỡ bỏ vào năm 2018.

UBS là một trong 2 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ.


Trước thực tế đó cùng với những đổi thay của mảng tài chính thế giới, các ngân hàng Thụy Sĩ đang cố gắng quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp và chuyển dịch sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim tại Thụy Sĩ xung quanh vấn đề này.

Thưa ngài, quyết định đàm phán với các nước đối tác để trao đổi thông tin tài khoản của chính phủ sẽ gây tác động ra sao đối với ngành tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ?


Nhìn tổng thể, ngành ngân hàng Thụy Sĩ, nhất là các đại gia trong ngành dựa trên hai mảng kinh doanh là ngân hàng quản lý tài sản (private banking) và ngân hàng đầu tư (investment banking). Hai mảng kinh doanh này chỉ có thể phát triển dựa trên thị trường toàn cầu, mảng quản lý tài sản còn dựa trên các đại gia khắp năm châu.

Hiện tại, các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý số tài sản trên toàn cầu ước tính 30.000 tỷ USD, trong đó thị trường nội địa khoảng 5.600 tỷ USD. Khoảng 51% nguồn vốn của các ngân hàng Thụy Sĩ xuất phát từ nước ngoài.

Tuy không phải tất cả nhưng phần lớn nguồn vốn này đổ vào Thụy Sĩ là vì cơ chế bảo mật ngân hàng và một số không nhỏ khách hàng nước ngoài quan tâm rất kỹ đến chuyện trốn thuế.

Quyết định của chính phủ Thụy Sĩ về cơ chế trao đổi tự động thông tin sẽ có tác động tiêu cực không chỉ đối với các ngân hàng lớn và những ngân hàng chuyên về quản lý tài sản, mà có thể nói là hầu như tất cả các ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ khác.

Các ngân hàng Thụy Sĩ tuy hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực thương mại và bán lẻ, nhưng đều là ngân hàng đa năng và không ít thì nhiều đều phát triển mảng quản lý tài sản đồng thời cũng nhận vốn từ nước ngoài. Ảnh hưởng lớn nhất là hình ảnh về uy tín và bảo mật của ngân hàng Thụy Sĩ gây dựng đã được trên trăm năm nay đang bị phá sập.

Đây không phải lần đầu tiên cơ chế bảo mật ngân hàng Thụy Sĩ bị tấn công. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng lên sự phản khán Thụy Sĩ nắm giữ vốn từ mọi phía và nhất là về phía Đức quốc xã và phía dân cư Do Thái. Câu chuyện này chỉ kết thức trong những năm 1980 khi các ngân hàng Thụy Sĩ phá bảo mật, công bố danh sách các khách hàng Do Thái trong thời kỳ đệ nhị thế chiến mà hiện tài khoản còn được các ngân hàng Thụy Sĩ nắm giữ.

Sau đó là những chiến dịch chống rửa tiền, ngăn ngừa vốn của những tổ chức buôn lậu ma túy, khủng bố, các ngân hàng Thụy Sĩ cũng phải phá lệ kiểm soát khắt khe những khách hàng nước ngoài mở tài khoản. Rồi đến thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008, chính phủ Mỹ đã ép buộc ngân hàng Thụy Sĩ trao danh sách khách hàng trốn thuế và ngân hàng UBS đã đầu tiên tuân thủ để tránh bị phạt nặng nề.

Các tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ hiện có xu hướng mở rộng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, liệu đây có thể là cơ hội cho các quốc gia trong khu vực?


Trước những xu hướng minh bạch hóa tài khoản khách hàng, ngân hàng Thụy Sĩ đã cố gắng quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý để thu hút khách hàng. Chiến lược này đã một phần nào thành công vì từ đầu năm nay vốn quản lý của các ngân hàng Thụy Sĩ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đúng châm ngôn "nơi nào có tiền là có ngân hàng Thụy Sĩ". Đã từ lâu ngành ngân hàng Thụy Sĩ nói chung, và hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse nói riêng, đã có mặt ở tất cả những trung tâm tài chính thế giới và… những "thiên đường thuế vụ".

Trong những năm vừa qua, bộ mặt địa tài chính thế giới đã thay đổi rất nhanh chóng. Trong 5 năm, các triệu phú, tỷ phú tại Châu Á-Thái bình Dương đã tăng gấp đôi tài sản và hiện tại ngang ngửa với tài sản của đại gia Bắc Mỹ và chiếm 27% tài sản thế giới.

Đây là sân chơi mới của ngành quản lý tài sản và các ngân hàng Thụy Sĩ không thể bỏ qua. Họ đang củng cố vị trí của mình trên những trung tâm tài chính "nóng" ở Châu Á-Thái Bình Dương như Singapore và Hong Kong.

Cam kết trao đổi tự động thông tin tài khoản của những quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm họ vững thêm lòng tin vào tiềm năng phát triển của vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Các ngân hàng Thụy Sĩ vào khu vực này không phải để phát triển những thiên đường trốn thuế khác mà chủ yếu là để phục vụ 4,5 triệu khách hàng đại gia, triệu phú USD trong vùng.

Đối với mảng ngân hàng đầu tư thì khu vực châu Á-thái Bình Dương hiện là khu vực mầu mỡ nhất, khi tâm điểm của kinh tế thế giới không còn quanh khu vực Bắc Đại Tây Dương mà đang chuyển qua Thái Bình Dương.

Trong những năm 1990, UBS và Credit Suisse đã có những bước đột phá để chiếm lãnh thị trường Bắc Mỹ và hiện đã đạt 47% thị phần quản lý tài sản, cõ lẽ trong những năm tới họ sẽ đổ dồn sức lực để có một vị trí tốt ở Châu Á -Thái Bình Dương.

Chiếm lĩnh thị trường này không có nghĩa là phải tập trung vào các trung tâm như Singapore, Hong Kong, mà chính thực là phải thiết lập mạng lưới ngân hàng phủ khắp các quốc gia mới nổi ở Châu Á -Thái Bình Dương.

Các ngân hàng Việt Nam hiện nay sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì khi hợp tác với các đối tác nước ngoài nói chung và với các ngân hàng Thụy Sĩ nói riêng?


Hợp tác với ngân hàng nước ngoài có thể hiểu theo hai nghĩa. Hợp tác có thể là cùng chung sức để kinh doanh phục vụ khách hàng, trở thành những ngân hàng đại lý cho nhau. Trong lĩnh vực này sự hợp tác giữa ngân hàng Việt Nam và nước ngoài đã được phát triển mạnh, các ngân hàng Việt Nam đều có hệ thống ngân hàng đại lý phủ khắp các quốc gia có liên hệ kinh tế với Việt Nam.

Tuy nhiên sự hợp tác này không đi xa hơn những dịch vụ thông thường, khó khăn thường gặp phải là sự khó khăn giám định ngân hàng Viêt Nam vì chưa theo tiêu chuẩn quốc tế Basel và thiếu đi tính minh bạch trong thông tin tài chính, quản lý và mức tín nhiệm tín dụng còn thấp.

Cần phải nắm rõ rằng mức tín nhiệm của một ngân hàng không thể vượt qua mức tín nhiệm của quốc gia và hiện tại Việt Nam đang ở mức B1 (theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s).

Hợp tác cũng có thể hiểu là trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng Việt Nam hay nói nôm na là đầu tư, sáp nhập hay thâu tóm ngân hàng Việt Nam. Nhìn chung thị trường ngân hàng việt Nam được đánh giá rất cao, tiềm năng phát triển mạnh, nhất là trong viễn cảnh hội nhập khối kinh tế ASEAN và TPP.

Nhưng muốn vào thị trường Việt Nam không phải là dễ, muốn tự thiết lập một ngân hàng hay một chi nhánh tại Việt Nam phải qua rất nhiều thủ tục và căn bản phải tạo một mạng lưới chi nhánh rất tốn kém. Do vậy, phương án trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng hiện có vẻ dễ dàng hơn.

Nhưng trên thực tế, hạn mức hiện tại hạn chế nước ngoài kiểm soát hay thực sự tham dự vào quản lý ngân hàng. Họ có thể có một ghế trong Hội đồng quản trị hoặc một chân trong guồng máy quản lý, nhưng với quyền sở hữu thứ yếu thì cũng rất khó làm việc.

Tuy vậy có rất nhiều ngân hàng nước ngoài chịu đầu tư, với quan niệm đây chỉ là bước đệm trong khi chờ đợi những cơ hội trong tương lai, vì Việt nam đã cam kết cởi mở thị trường tài chính trong khuôn khổ những hiệp ước quốc tế WTO và sắp tới TPP.

Như đã nói ở trên, các ngân hàng Thụy Sĩ rất quan tâm tới thị trường tài chính Việt Nam và những ngân hàng như Credit Suisse trong mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư đã thực hiện nhiều thương vụ đình đám, rất nhiều ngân hàng Thụy Sĩ là ngân hàng đại lý của ngân hàng Việt nam.

Tuy nhiên để tiến thêm một bước, trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng Việt Nam thì sẽ phải có một số thay đổi. Về phía Thụy Sĩ phải chấp nhận trong bước đầu, hợp tác với một ngân hàng bán lẻ với viễn cảnh trong tương lai có thể chuyển mình qua mảng quản lý tài sản. Các ngân hàng Thụy Sĩ mong muốn thực sự có quyền lãnh đạo và như vậy sẽ không dừng ở mức thông lệ 20%.


Tố Uyên(PV TTXVN tại Geveva)