02:12 18/02/2015

Xin Chữ - Nét đẹp văn hóa đầu năm

Trong niềm vui, trong những kỳ vọng về năm mới, nhiều người thường có thói quen xin Chữ đầu năm với mong muốn những điều tốt lành đến với mình.

Trời Hà Nội se lạnh trong những ngày đầu năm mới. Giữa cái hiền hòa của khí Xuân, sự thanh bình ở từng góc phố, người ta tranh thủ ra đường để tận hưởng mùa Xuân của đất trời... Trong niềm vui, trong những kỳ vọng về năm mới, nhiều người thường có thói quen xin Chữ đầu năm với mong muốn những điều tốt lành đến với mình. Nhất là khi được sinh ra, lớn lên hoặc ít nhất cũng được gắn bó với nơi được coi là truyền thống văn hiến lâu đời, chuyện chữ nghĩa đầu năm càng trở nên có ý nghĩa hiển linh với không ít người.

Rảo bước trong Hội chữ Xuân Ất Mùi ở khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bác Nguyễn Văn Thi, phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy muốn tìm lại chút quá khứ xưa, khi mà thủa nhỏ bác đã có thời gắn bó với thư pháp. Cha bác cũng từng biết thư pháp, cũng đã từng chỉ dẫn cho bác những sơ đẳng ban đầu. Cuộc sống nhiều biến động, bác Thi không có cơ duyên gắn bó với thư pháp. Tuy vậy, thỉnh thoảng bác vẫn dành thời gian tìm hiểu về nghệ thuật chữ viết, đến thưởng lãm thư pháp ở một số nơi diễn ra hoạt động này. “Viết thư pháp là cả một nghệ thuật, thể hiện tâm, trí của cả người xin và cho chữ qua từng nét bút. Ngày xưa, ông cha ta rất coi trọng viết thư pháp. Đến nay, chúng ta vẫn giữ gìn và phát triển nó như thế này thực sự là rất quý” – bác Nguyễn Văn Thi cho biết như vậy.

Người dân Hà Thành xin chữ ngày đầu Xuân. Ảnh : Thanh Hà - TTXVN



Vốn là Phố ông đồ cũ được đưa từ vỉa hè phố Văn Miếu vào hồ Văn, năm nay Hội chữ Xuân Ất Mùi được tổ chức, quản lý bài bản về không gian, về người cho chữ và chất lượng chữ nghĩa. Hội chữ Xuân hứa hẹn sẽ trở thành hoạt động văn hóa đầu năm mới tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Thủ đô và các địa phương lân cận. Hơn 100 lều dành cho hơn 100 ông đồ được bài trí theo kiểu truyền thống, sắp xếp quanh hồ Văn tạo ra một không gian mang đậm tính văn hóa. Mỗi lều là một ông đồ, bày bàn gỗ thấp, bút nghiên, mực tàu, bức thư pháp và trang trí cả những cành đào, rèm tre, câu đối đỏ… đầy hoài cổ. Các ông đồ được viết chữ trong Hội chữ Xuân 2015 đều phải trải qua kỳ sát hạch trình độ thư pháp đảm bảo viết chữ không sai, viết đẹp, đúng bố cục, đảm bảo chất lượng. Hội chữ Xuân Ất Mùi có sự tham gia của12 câu lạc bộ thư pháp và 5 nhà thư pháp hàng đầu Việt Nam, với biệt danh “đại lão thư pháp”, trong đó có nhà thư pháp Cung Khắc Lược, Như Phách, Nguyễn Thế Lục…

Nhà thư pháp Như Phách, trú tại số 28 ngõ Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Ông từng học thư pháp từ năm 6 tuổi đến nay đã gần 80 năm gắn bó với nghệ thuật này. Khi viết thư pháp đòi hỏi phải có sự kiên trì, khéo léo và thực sự phải có tâm. Trước khi vào khu vực hồ Văn, nhà thư pháp Như Phách cũng có thời gian gần 10 năm ngồi viết ở phố Văn Miếu mỗi dịp Tết đến và vài chục năm ngồi viết ở phố Bà Triệu. Trong gian hàng của ông treo la liệt các bức thư pháp lớn nhỏ, đường nét mềm mại như rồng bay phượng múa. Vận áo the khăn xếp theo đúng kiểu ông đồ xưa, nhà thư pháp Như Phách giải thích với khách về những nguyên tắc viết thư pháp, ngữ nghĩa của từng con chữ với sự say mê không ngừng. Ông cũng cho biết, mỗi dịp Tết đến, người dân thường xin chữ Phúc, Lộc, Tâm, Đức, Trí, Học…Với bức thư pháp chữ Học cùng câu triết lý “Ngọc bất trác/Bất thành khí”, nhà thư pháp Như Phách giải thích: “Ngọc phải mài dũa mới thành đồ trang sức, có hàm ý rằng, phải học hành nhiều mới thành công được”.

Cầm trong tay bức thư pháp có chữ An mới xin được, anh Hoàng Thế Bình, trú tại phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình hồ hởi. Bởi theo anh, dù cuộc sống có xoay vần thế nào thì “cái gốc” của người Hà Nội vẫn là giữ gìn truyền thống xưa, trân trọng các giá trị văn hóa. Xin chữ chính là gìn giữ truyền thống cũ, thể hiện tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa, thể hiện tâm nguyện của mình trong năm mới. Mà cuộc sống quan trọng nhất là sự bình an, do vậy anh Hoàng Thế Bình xin chữ An, cầu ước cho gia đình luôn được yên bình, tránh được mọi điều bất trắc. Với bức thư pháp vừa xin được, anh cho biết, sẽ về treo trang trọng trong phòng khách và sẽ giải thích cho vợ con ý nghĩa của chữ An để cùng nhau giữ gìn sự yên ấm, ít nhất là trong phạm vi gia đình.

Không chỉ ở Hội chữ Xuân Ất Mùi, tại các điểm di tích tại Hà Nội cũng có nhiều ông đồ cho chữ trong dịp đầu năm mới. Tại đền Ngọc Sơn, ông đồ Lụa, nhà ở quận Hoàng Mai dịp này cũng bận rộn hơn với việc cho chữ. Thường ngày, ông đồ Lụa ngồi ở gian tiền tế, ai xin chữ ông sẽ viết. Nhưng vào dịp Tết, ông thường ngồi ở sân đền, bên phải đình Trấn Ba để thuận lợi cho việc viết chữ bởi lượng người xin chữ dịp này đông hơn so với ngày thường. Nắn nót cầm chiếc nghiên viết chữ Đạt trên tờ giấy dó, ông đồ Lụa giải thích với một cháu đang độ tuổi học sinh: “Với các cháu quan trọng nhất là việc học hành do vậy cần chăm chỉ, siêng năng để thành đạt”. Xung quanh, đông đảo người dân dõi theo nét bút của ông, chờ đợi đến lượt mình và thầm thán phục khả năng viết thư pháp của ông đồ.

Để rồi sau đó, đọng lại ở mỗi bức thư pháp là niềm vui của cả người xin chữ và người cho chữ. Người xin chữ gửi vào đó niềm tin, niềm ước muốn con chữ trong bức thư pháp trở thành hiện thực. Người cho chữ vui vì phần nào đáp ứng mong muốn của khách, tâm nguyện điều may mắn sẽ đến với khách. Chính vì thế, tục xin chữ đầu năm và nghệ thuật thư pháp sẽ còn sống lâu bền trong đời sống tinh thần người Việt Nam. 

Đinh Thị Thuận