01:15 24/01/2018

Xét xử vụ án lừa đảo tại công ty Aquafeed Cửu Long: Các bị cáo đồng loạt khẳng định cáo trạng truy tố không đúng

Sau 3 lần hoãn, ngày 24/1, TAND tỉnh Trà Vinh đã đưa ra xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long và hành vi “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Trà Vinh.

Cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS) tỉnh Trà Vinh truy tố các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc, Trần Vũ Dũng, Đỗ Thái Hòa, Nguyễn Hồng Nam (nguyên Tổng giám đốc công ty Aquafeed), Bùi Thị Tuyết Mai (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản) phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo Nguyễn Văn Trực (nguyên Phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh), Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên Trưởng phòng Tín dụng ngân hàng Agribank Trà Vinh) và Cao Văn Phong (nguyên Phó phòng Tín dụng ngân hàng Agribank Trà Vinh) bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.


Theo cáo trạng, trong thời gian từ 30/06/2010 đến ngày 29/12/2011 Nguyễn Hữu Lộc, Trần Vũ Dũng với cương vị là Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long (bị can Lộc còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản, bị cáo Dũng còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Biển Tây và ủy viên HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp thủy sản) đã điều hành các bị cáo Đỗ Thái Hòa, Nguyễn Hồng Nam (đại diện Công ty Aquafeed Cửu Long), Bùi Tuyết Mai (Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản) và Võ Ngọc Thắm (Phó tổng giám đốc công ty Biển Tây) kí nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa công ty Aquafeed Cửu Long và Công ty cổ phần nông nghiệp thủy sản, Công ty Biển Tây để công ty Quafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để Ngân hàng Agribank chi nhánh Trà Vinh giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản Công ty Aquafeed theo hợp đồng tín dụng 01AQ/HĐTD ngày 01/0/2011.

Các bị cáo tại phiên toà.

Từ đây, Công ty Aquafeed Cửu Long chuyển cho Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản 28 tỷ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỷ đồng bằng 42 ủy nhiệm chi để các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc và Trần Vũ Dũng chiếm đoạt. Các bị cáo Nguyễn Văn Trực, Nguyễn Quốc Hoàn và Cao Văn Phong đã có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 52,4 tỷ đồng.


Không đồng ý với quan điểm truy tố của cáo trạng do đại diện VKS tỉnh Trà Vinh công bố, ngay trong phần đầu phiên tòa, các bị cáo đã chỉ ra hàng loạt vấn đề mà cáo trạng truy tố không đúng bản chất vấn đề.


Cụ thể, một trong những căn cứ quan trọng để VKS truy tố các bị cáo với hai tội danh như trên là việc Agribank và Aquafeed Cửu Long thực hiện hợp đồng cho vay tín chấp, trong đó tài sản thế chấp chỉ 32 tỷ nhưng cho vay đến 100 tỷ. Bị cáo Lộc cho rằng, đây là một quy kết không đúng vì thực tế đây là hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản đảm bảo vốn vay. Ngoài việc thế chấp tài sản nhà máy trị giá 32 tỷ đồng, Aquafeed còn thế chấp công nợ là số dư nợ trong dân khoảng 100 tỷ đồng cho ngân hàng, điều này được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng và 3 hợp đồng thế chấp. Vì vậy số tiền ngân hàng cho vay là đúng mục đích và không mất. Số tiền này thực chất vẫn còn nguyên vẹn trong dân, tuy nhiên cáo trạng của VKS tỉnh Trà Vinh vẫn “bỏ qua” chi tiết này, dù rằng điều này đã được thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án.


Bị cáo Nguyễn Văn Trực, nguyên Phó giám đốc Agribank Trà Vinh, cũng khẳng định hợp đồng tín dụng được thực hiện đúng quy trình cho vay, hồ sơ thẩm định cho vay được trình lên ngân hàng Agribank Trung ương và được ngân hàng Agribank Trung ương chấp thuận. Các khoản vay này đều có hợp đồng thế chấp là tài sản, hàng hóa và công nợ, đủ thu hồi vốn chứ không phải là hợp đồng tín chấp.


Bị cáo Lộc cũng cho rằng, Aquafeed Cửu Long với 27,7% vốn Nhà nước là một công ty hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, tuy nhiên cáo trạng VKSND cho rằng Aquafeed là công ty tư nhân, việc này đã làm sai lệch bản chất hoạt động của loại hình công ty dẫn đến hiểu sai lệch vai trò cá nhân của bị cáo Lộc và các bị cáo khác trong hoạt động cũng như trách nhiệm điều hành công ty.

Bị cáo Nguyễn Hữu Lộc trình bày tại toà.

Đối với cáo buộc chiếm đoạt 54 tỷ đồng của ngân hàng, bị cáo Lộc cũng khẳng định đây là một cáo buộc hoàn toàn không có căn cứ. Vì rằng tại thời điểm tháng 8/2010, bị cáo Lộc đã thôi các chức vụ Chủ tịch HĐQT, chỉ làm ủy viên phụ trách con giống và thu nợ, không có trách nhiệm về vấn đề báo cáo tài chính, hồ sơ vay vốn. Ở thời điểm tháng 3-4/2011 ông Lộc cũng không còn đại diện vốn Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản (CPCNTS), cũng như không còn làm việc tại công ty Aquafeed. Trong khi đó, việc vay vốn 54 tỷ đồng, bao gồm 28 tỷ đồng trả cho Công ty CPCNTS từ 12/5/2011 – 19/12/2011 và 26 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Biển Tây từ 16/5/2011- 17/11/2011. Dù vậy, cáo trạng vẫn quy kết bị cáo Lộc là người chiếm đoạt số tiền trên.


Bị cáo Đỗ Thái Hòa và bị cáo Bùi Thị Tuyết Mai cũng chỉ ra rằng, trong 86 hợp đồng mua bán nguyên liệu Công ty CPCNTS ký kết với Công ty Biển Tây, Công ty Dũng Liêm và Công ty Aquafeed Cửu Long là hoạt động buôn bán nguyên liệu theo phương thức giao hàng tại chỗ, thanh toán qua ngân hàng, có hàng hóa tồn kho, có biên bản giao hàng, có hóa đơn tài chính, có đóng thuế đầy đủ… Đây là hoạt động mua bán bình thường, là công việc kinh doanh hàng ngày của công ty theo đúng điều lệ cũng như pháp luật. Việc VKS cáo buộc đây là việc thực hiện hợp đồng khống là không đúng.


Mặt khác, theo cáo trạng, số tiền thu về từ những hợp đồng này là 244 tỷ đồng được dùng để trả nợ ngân hàng, nhưng Aquafeed vay lại ngân hàng chỉ 182 tỷ đồng, nên nói Agribank bị thiệt hại thông qua các hợp đồng mua bán này là không đúng. Ngoài ra, trong số 86 hợp đồng, bị cáo Hòa chỉ kí 12 hợp đồng bán hàng cho Dũng Liêm, tổng số tiền bán hàng cho Dũng Liêm qua 29 hợp đồng Aquafeed thu về 75 tỷ đồng, trả ngân hàng 67 tỷ đồng và vay lại 54 tỷ đồng nên không thể quy kết việc thực hiện các hợp đồng mua bán làm tổn thất đến Aquafeed và ngân hàng…


Ngoài ra, đa số các bị cáo đều khẳng định trong quá trình điều tra, các điều tra viên của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Trà Vinh đã mớm cung, dẫn cung, dụ cung, buộc các bị cáo khai nhận theo ý chí chủ quan của cán bộ điều tra.


Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 5/2/2018.


Lê Hiền/Báo Tin tức