05:12 29/05/2019

Xét xử Johnson & Johnson trong bê bối thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid

Ngày 28/5, Tòa án bang Oklahoma mở phiên xét xử đầu tiên liên quan đến bê bối thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid. Bên bị đơn là Tập đoàn Johnson & Johnson. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter phát biểu trong buổi khai mạc tranh luận ở Norman, Oklahoma. Ảnh: bloomberg.com

Mở đầu phiên tòa, Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter công bố bản cáo trạng, trong đó cáo buộc Johnson & Johnson do lòng tham đã bắt tay vào "một chiến dịch tẩy não trị giá hàng triệu USD giả dối" để bán các loại thuốc giảm đau nhóm opioid như một liều thuốc "thần thánh". Tuy nhiên, cho đến nay, Johnson & Johnson phủ nhận mọi cáo buộc đối với công ty dược phẩm Janssen Pharmaceuticals của hãng. 

Trong luận cứ bảo vệ Johnson & Johnson, ông Larry Ottaway - luật sư hàng đầu của tập đoàn này, chỉ rõ hai loại thuốc giảm đau Nucynta và Duragesic của hãng đều được cơ quan chức năng Mỹ cấp phép lưu hành, trong khi cá nhân dược sĩ và bác sĩ đều có trách nhiệm riêng rẽ trong việc kê đơn và kiểm soát liều lượng sử dụng thuốc. Ngoài ra, ông đưa ra dẫn chứng cụ thể cho biết tại Oklahoma, hai loại thuốc giảm đau của công ty được kê đơn với số lượng thấp và được các cơ quan chính phủ phân vào nhóm "ít gây nghiện". 

Nhiều khả năng các chuyên gia y tế vào cuộc để thẩm định tính chính xác thông tin đưa ra trong vụ xét xử, dự kiến sẽ kéo dài 2 tháng này. 

Johnson & Johnson là một trong 3 công ty bị kiện tại Oklahoma liên quan đến bê bối thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa diễn ra, Công ty dược phẩm Teva của Israel ngày 26/5 đã chấp nhận chi 85 triệu USD để dàn xếp vụ kiện với bang Oklahoma, trong khi đó, Purdue Pharma - Công ty chủ quản thuốc giảm đau OxyContin, hồi tháng 3 cũng đã thành công dàn xếp vụ kiện khi chịu chi 270 triệu USD. 

Cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ bắt đầu từ những năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau Oxycontin và các loại thuốc giảm đau được lưu hành hợp pháp khác, khiến hơn 2 triệu người bị nghiện thuốc giảm đau. Trong 3 năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin và thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh do nhà chức trách siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn. 

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước Mỹ có khoảng 2.000 đơn khiếu nại pháp lý yêu cầu các nhà sản xuất thuốc giảm đau phải bồi thường.

Lan Phương  (TTXVN)