03:19 06/03/2015

Xét xử hung thủ thực sự trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lý Nguyễn Chung, hung thủ thực sự trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày 6/3, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lý Nguyễn Chung, hung thủ thực sự trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn về các hành vi "Giết người" và "Cướp tài sản" theo quy định tại điều 93 và điều 133 Bộ Luật Hình sự.

Tại phiên tòa ngày 6/3, ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã phải ngồi tù oan hơn 10 năm do hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung gây nên và những người thân trong gia đình ông đã không có mặt.

Thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang được sự ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã công bố bản Cáo trạng số 33 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, truy tố bị cáo Lý Nguyễn Chung về hành vi "Giết người" theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự và hành vi "Cướp tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Kiểm sát viên điều tra lấy lời khai của đối tượng Lý Nguyễn Chung đang bị bắt tạm giam tại Trại tạm giam T771, Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.


Cáo trạng nêu rõ: Trên cơ sở điều tra đã xác định rõ, Lý Nguyễn Chung sinh ngày 20/12/1988 quê huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; người dân tộc Sán Chỉ; cư trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắc. Khi Chung còn nhỏ thì mẹ Chung mất, bố Chung lấy vợ hai là bà Nguyễn Thị Lành. Đến năm 1995 ông Lý Văn Chúc (bố của Lý Nguyễn Chung) và Lý Nguyễn Chung chuyển về sinh sống cùng bà Lành tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Khoảng 19 giờ 15 phút ngày 15/8/2003, Lý Nguyễn Chung đi từ nhà đến quán bán hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan ở cùng thôn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để mua dầu gội đầu. Khi đi Chung mặc quần soóc màu đỏ, áo phông cộc tay, chân đi dép lê và đem theo một con dao bấm do Trung Quốc sản xuất để túi quần soóc phía sau bên phải.

Khi đến quán nhà chị Hoan khoảng gần 19 giờ 30, Chung thấy cửa quán mở, đèn điện còn sáng. Chung đến gần cửa quán và gọi chị Hoan để mua dầu gội đầu. Chị Hoan nghe thấy tiếng Chung gọi liền đi ra để bán hàng. Lúc này Chung nhìn thấy trong hộp kính bán hàng tạp hóa có một chiếc hộp đựng tiền nên đã nảy sinh ý định giết chị Hoan để lấy tiền. Khi chị Hoan đi ra lấy dầu gội đầu, đứng đối diện với Chung cách khoảng 60 - 70 cm, Chung liền dùng tay phải dùng dao đâm vào bụng chị Hoan. Bị đâm bất ngờ, chị Hoan bỏ chạy về phía sau nhà nhưng Chung vẫn đuổi theo đâm liên tiếp vào ngực, mặt, sau đó còn dùng tay chân đấm đá, dùng vỏ chai bia đập vào đầu nạn nhân, lấy gối đè lên mặt nạn nhân cho đến chết.

Phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung hôm 4/2 bị hoãn. Ảnh: Dương Trí - TTXVN


Sau khi chị Hoan chết, Chung lấy đi 2 chiếc nhẫn vàng đeo ở bàn tay trái của chị Hoan cùng số tiền 59 nghìn đồng để trong tủ kính bán hàng trong quán và đi về nhà tắm rửa, ăn cơm. Sáng hôm sau, bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của Chung dậy đi giặt quần áo đã phát hiện ra bộ quần áo dính máu và thông báo với bố của Chung là ông Lý Văn Chúc. Ông Chúc đã hỏi thì Chung kể lại toàn bộ sự việc. Ông Chúc khuyên Chung đi Lạng Sơn trốn. Tại đây, Chung đã được anh trai là Lý Văn Phúc cho tiền đi Đắc Lắc. Bốn ngày sau, Chung định quay về đầu thú thì Phúc tiếp tục khuyên bảo em tiếp tục trốn tránh.

Đến năm 2005, Lý Văn Phúc chết, Chung trở về chịu tang anh thì được biết ông Chấn đã chịu tội thay mình. Ông Chúc khi đó cũng khuyên Chung tiếp tục vào Đắc Lắc lẩn trốn nên Chung quay trở lại và sống trong đó và đến ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, thừa nhận hành vi giết chị Hoan cướp tài sản. Sau hơn 10 năm ngồi tù oan, cuối tháng 1/2014, ông Nguyễn Thanh Chấn đã chính thức được cơ quan chức năng minh oan.

Trong buổi sáng 6/3, Hội đồng xét xử và Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đã làm rõ mục đích, động cơ và quá trình thực hiện hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung.

Về phần bồi thường trách nhiệm dân sự, đại diện gia đình bị hại là bà Hoàng Thị Hội (mẹ đẻ của chị Nguyễn Thị Hoan) và anh Nguyễn Văn Tiến yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm của Chung, bồi thường 50 triệu đồng tiền mai táng phí, khoảng 30 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, 2 triệu đồng/tháng tiền cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Văn Đức và các tài sản đã mất của chị Hoan.

Buổi chiều 6/3, phiên tòa tập trung vào phần xét tranh tụng của các luật sư bào chữa cho bị cáo và gia đình bị hại. Luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), người được chỉ định bào chữa cho Lý Nguyễn Chung cho rằng Chung đã có đơn đầu thú và sau đó tự thú toàn bộ hành vi của mình trước cơ quan điều tra.

Việc tự thú này với những tình tiết cụ thể đã giúp minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Tại thời điểm phạm tội, Lý Nguyễn Chung chưa đủ 15 tuổi, nhận thức về hành vi của mình chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, Chung lại là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng quê heo hút, giáp biên giới, trình độ nhận thức thấp nên đây là những tình tiết giảm nhẹ cho Chung. Luật sư Hiển cũng cho rằng, việc không thu được một số chứng cứ vụ án (nhẫn, tiền) nên không thể xác định tội cướp cho Lý Nguyễn Chung.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Chung không phải tự thú mà là đầu thú, hơn nữa các chứng cứ xác định có đủ cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản. Phiên tòa tạm hoãn và sẽ tiếp tục mở lại vào 7 giờ 30 phút ngày 9/3/2015 với phần tranh luận của luật sư bào chữa với Viện Kiểm sát.


Việt Hùng (TTXVN)