11:12 12/11/2019

Xem xét kỹ lưỡng các phương án của dự án sân bay Long Thành

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Hàng loạt các vấn đề liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vốn, lựa chọn nhà đầu tư... đã được các đại biểu quốc hội thảo luận cho ý kiến. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại các góp ý của đại biểu cho dự án này.

Đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai): Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tôi đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội về báo cáo khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Qua theo dõi tiến độ thực hiện Dự án và ý kiến của cử tri khu vực làm Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tôi cho rằng, việc điều chỉnh diện tích (giai đoạn 1) từ 1.165ha lên 1.810ha (tăng 645ha) là không vướng mắc, bởi Nghị quyết 94 của Quốc hội xác định Dự án thực hiện theo 3 giai đoạn, xác định thu hồi đất 1 lần 5.000ha, nên việc điều chỉnh diện tích giai đoạn 1 tăng lên không ảnh hưởng nhiều. Mặt khác, 645ha này chủ yếu là đất thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam nằm trong giai đoạn 2 nên không có khó khăn khi thu hồi đất, nên tôi nhất trí việc điều chỉnh này. 

Đối với 136ha diện tích đất cần thu hồi bổ sung thêm để làm 2 tuyến đường kết nối với sân bay tôi cho là cần thiết, vì khi làm dự án sân bay các cơ quan chưa tính toán đến việc làm tuyến đường phục vụ thi công dự án; đồng thời là các tuyến đường kết nối với các tuyến giao thông của sân bay khi hoàn thành đi vào hoạt động. Đây là việc tôi thấy cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án sau này. 

Về tiến độ giải ngân, tổng số vốn đã bố trí cho Đồng Nai năm đầu tiên là 11.490 tỷ đồng (cao hơn nhiều so với nhu cầu vốn thực tế của dự án); dự kiến đến hết năm 2019 giải ngân đạt khoảng 1.891 tỷ đồng. Như vậy, việc bố trí vốn không hợp lý dẫn đến việc giải ngân chậm. Đây cũng là nguyên nhân mà việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, mặc dù báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bồi thường, thu hồi đất, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng hồ sơ và bản vẽ, thiết kế cơ sở 5 dự án thành phần có cấu phần xây dựng chưa được đóng dấu thẩm định theo quy định, dẫn đến UBND tỉnh Đồng Nai không có cơ sở để tổ chức thẩm định, phê duyệt và thực hiện 5 dự án thành phần có cấu phần xây dựng. 

Từ những vấn đề nêu trên, tôi kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm phối hợp ủng hộ, hướng dẫn giúp đỡ UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành các thủ tục, hồ sơ theo quy định để đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Đây cũng là mong muốn của cử tri hơn 10 năm qua sống trong khu vực thực hiện Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị): Xem xét kỹ lưỡng phương án huy động vốn của ACV

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đối với Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tôi quan tâm đến phương án huy động vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Cụ thể, theo phương án đầu tư trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án; trong đó, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế hoặc trong nước, giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trước hết, ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối (chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu) nhưng dù doanh nghiệp này huy động vốn dưới hình thức nào thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam, theo con mắt của nhà đầu tư quốc tế, dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ vay.

Tuy nhiên, do tầm quan trọng quốc gia của dự án đầu tư, cũng như do vị thế và tiềm lực của ACV ở Việt Nam, khả năng vay thương mại nước ngoài của ACV (cụ thể là vay kỳ hạn 15 năm, ân hạn 5 năm, với lãi suất tầm 5 tới 5,5%/năm) là có tính khả thi.

Lý do là theo Báo cáo của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của quốc gia ước đến cuối năm 2019 vào khoảng 45,8% GDP. Dự kiến năm 2020 tăng trưởng GDP đạt kế hoạch 6,8%, so với năm 2019 hạn mức nợ nước ngoài của quốc gia tối đa có thể tới cỡ 144 tỷ USD. Như vậy, dư địa nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả cũng được nới rộng, bảo đảm cho phương án huy động vốn quốc tế của ACV có điều kiện thực hiện.

Bên cạnh đó, những thành tựu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an ninh, chính trị của Việt Nam những năm gần đây khá ấn tượng. Thêm nữa, một dự án quan trọng tầm quốc gia được ACV làm chủ đầu tư do Chính phủ chỉ định thầu, giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, ACV cũng đang thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn trong nước cũng rất muốn được tham gia đồng thu xếp vốn cho ACV. Phương án huy động một phần nhu cầu vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước cũng khá khả thi. Việc Chính phủ từng phát hành thành công trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ, chỉ định đối với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, là những tiền lệ thành công đáng tham khảo.

Tuy nhiên, phương án tài chính trong Báo cáo nghiên cứu kinh tế được tính toán dựa trên cơ sở dự kiến khả năng khai thác dự án đầu tư khi đưa vào sử dụng, chứa đựng nhiều yếu tố bất định và rủi ro cho ACV. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai giai đoạn 1 và toàn bộ dự án là thách thức lớn, nếu kéo dài chắc chắn sẽ đội vốn dẫn đến hiệu quả thấp, cơ hội cạnh tranh sẽ khó khăn; sẽ ảnh hưởng kế hoạch hoàn vốn đầu tư. Vì thế Ban soan thảo cần xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn.

Thành Trung - Uyên Hương (TTXVN)