03:20 05/03/2015

Xem xét đặc thù địa phương trong tuyển sinh cao đẳng

Có 681 ngành thuộc 147 trường cao đẳng trên cả nước không đủ điều kiện để tuyển sinh do không tuyển được sinh viên trong 3 năm liên tiếp, thiếu giảng viên...

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, có 681 ngành thuộc 147 trường cao đẳng (CĐ) trên cả nước không đảm bảo điều kiện để tiếp tục tuyển sinh với sai phạm chính là không tuyển được sinh viên trong 3 năm liên tiếp, hoặc không đảm bảo đội ngũ như yêu cầu về điều kiện mở ngành. Các trường phải rà soát và báo cáo về Bộ chậm nhất là ngày 6/3. Nhưng một số trường CĐ cho rằng, trong quá trình rà soát này, Bộ phải tính đến nhu cầu của địa phương và nên coi đó là điều bình thường.

Phụ thuộc nhu cầu địa phương

Ngày 6/3 là hạn chót để 147 trường cao đẳng (CĐ) phải báo cáo lại số sinh viên và đội ngũ giảng viên về Bộ GD - ĐT theo tinh thần của Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011, quy định về hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng. Sau thời hạn này, nếu các trường vẫn không có báo cáo bổ sung kèm minh chứng đảm bảo điều kiện tuyển sinh theo quy định, sẽ bị dừng tuyển sinh năm 2015.

Các trường không đảm bảo các điều kiện để tiếp tục tuyển sinh như không đủ giảng viên cơ hữu, không có đủ 4 thạc sĩ (điều kiện tối thiểu), không có sinh viên trong 3 năm, trong đó, có những trường có nhiều ngành đào tạo không đủ điều kiện tuyển sinh như: Trường CĐ Sư phạm Hà Nam - 19 ngành, Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk - 18 ngành, Trường CĐ Sư phạm Kon Tum - 18 ngành, Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh -15 ngành, Trường CĐ Sư phạm Long An - 15 ngành, CĐ Sư phạm Vĩnh Long - 21 ngành, CĐ Sư phạm Hà Giang - 12 ngành... Những trường không đảm bảo điều kiện cơ bản như: CĐ Vĩnh Phúc 11 ngành, CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái 5 ngành, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc 4 ngành, CĐ Sơn La 10 ngành, CĐ Bến Tre 16 ngành, CĐ Cần Thơ 8 ngành…

Một số lượng lớn các ngành CĐ có thể bị dừng tuyển sinh, thậm chí “khai tử”. Theo giải thích của một số hiệu trưởng trường CĐ thì việc rà soát này là đúng nhưng Bộ cần tính đến thực tế của các trường CĐ ở địa phương.

Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk có tới 18 ngành học phải rà soát trong đợt này. Ảnh: Nhà trường cung cấp


Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Vĩnh Phúc cho biết: “Đến nay trường đã hoàn tất công việc rà soát điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giảng viên… cho ngành học để báo cáo về Bộ GD - ĐT. Trong danh sách Bộ GD - ĐT gửi về, có 11 ngành cần rà soát và có thể tạm dừng tuyển sinh. Nhưng trước mắt, trường đề nghị chỉ dừng tuyển sinh 3-4 ngành trong năm nay chứ không phải cả 11 ngành. Nếu bị dừng cả thì thực sự là khó khăn với trường. Bởi ở đây có nguyên nhân từ khách quan”.

Ở địa phương, có những ngành cứ 3-4 năm không tuyển sinh do nhu cầu của địa phương. Cách khoảng thời gian này, trường mới tiếp tục tuyển sinh trở lại. Trong khoảng thời gian không tuyển sinh đó, nhà trường buộc phải điều giáo viên của ngành đó đi trường khác giảng dạy. Chỉ tiêu của trường đề xuất thông qua sở GD - ĐT và tỉnh là nơi duyệt kinh phí. Nếu căn cứ vào thực tế này mà Bộ GD - ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh là chưa hợp lý. Ví dụ, từ khi thành lập trường CĐ Vĩnh Phúc đến nay có ngành sư phạm văn trường chỉ đào tạo 1 - 2 khóa do tỉnh không có nhu cầu. Do vậy, nếu có tạm ngừng tuyển sinh hoặc đóng cửa ngành này cũng là hợp lý. Bộ cần hiểu đặc thù này mà cân nhắc trong đợt rà soát này”, ông Trần Văn Thuận phân tích.

Cùng “cảnh ngộ”, trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh cũng có tới 15/35 ngành học được yêu cầu rà soát lại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, trong đó có những ngành học là do nhu cầu của địa phương nên mới tạm dừng tuyển sinh. Có những ngành tới 4 năm không tuyển sinh được. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh cho biết: “Kinh phí đào tạo sư phạm do tỉnh cấp. Vì vậy, việc đào tạo là do nhu cầu địa phương. Trường cũng báo cáo thực tế này về Bộ GD - ĐT về đội ngũ giáo viên và chỉ ra đặc thù của trường là không phải năm nào cũng tuyển sinh. Việc không liên tục tuyển sinh là điều bình thường”.

Nằm trong kế hoạch rà soát đào tạo

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH và sau ĐH cho biết, đợt tổng rà soát ngành đào tạo CĐ lần này nằm trong chương trình công tác năm 2014, để hướng tới một số mục tiêu như: Nắm thực trạng về tổ chức đào tạo của các trường CĐ; kiểm tra các trường trong việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu (đây là nhân tố các trường được tự chủ nhưng thực tế có nhiều biến động); đồng thời cảnh báo vi phạm và xử lý các ngành đào tạo của trường CĐ không đạt điều kiện đảm bảo chất lượng, tập trung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu và công tác tuyển sinh và cuối cùng đây là một kênh để góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu trường CĐ, trong đó đặc biệt chú ý tới số liệu về giảng viên cơ hữu và quy mô sinh viên…

Theo thông tin từ Bộ GD - ĐT dù vì bất cứ lý do nào, thì căn cứ vào quy định, Bộ GD - ĐT sẽ kiên quyết với những trường không đủ điều kiện tuyển sinh theo tinh thần của Thông tư 08. Đây là một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.  Tuy nhiên, do có đặc thù của địa phương như phản ánh sẽ có những xem xét cụ thể để trình Bộ trưởng. Sau ngày 6/3, Bộ GD - ĐT sẽ có những tính toán cụ thể khi nhận được báo cáo từ các trường.

Được biết, khi bắt đầu mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, gần 300 ngành đào tạo CĐ bị đưa vào danh sách báo động do không đáp ứng điều kiện theo thông tư 08. Những ngành này đã được phép tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo nhưng phải bổ sung các điều kiện giảng dạy.


Lê Vân