04:07 14/04/2015

Xem nhẹ chuyển giao công nghệ và nội địa hóa

Mong muốn tiếp thu kỹ năng quản lý cũng như công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI), nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” để thu hút các đối tác này, tuy nhiên, thực tế hiện nay, mối liên kết, việc chuyển giao công nghệ giữa DN FDI với DN trong nước còn hạn chế.

Mong muốn tiếp thu kỹ năng quản lý cũng như công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI), nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” để thu hút các đối tác này, tuy nhiên, thực tế hiện nay, mối liên kết, việc chuyển giao công nghệ giữa DN FDI với DN trong nước còn hạn chế.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia cho biết, tác động lan tỏa của FDI đối với doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế còn hạn chế, đặc biệt quá trình nội địa hóa các DN FDI còn rất thấp.

Lắp ráp sản phẩm tại Công ty Samsung Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN



Cụ thể như năm 2001, Canon đầu tư vào Việt Nam với số vốn hơn 300 triệu USD. Đến nay tỷ lệ nội địa hóa của Canon đạt hơn 60%, nhưng trong 100 nhà cung cấp thiết bị, sản phẩm đầu vào cho Canon chỉ có 10% là DN trong nước, các DN này cũng chủ yếu thực hiện ngành đòi hỏi kỹ thuật đơn giản. Các linh kiện, phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao, chủ yếu là nhập khẩu hoặc do DN FDI trong nước cung cấp.

Tương tự, công ty Sam Sung vào Việt Nam từ năm 2008, với vốn hơn 11 tỷ USD, cam kết tỷ lệ nội địa hóa sau 3 – 4 năm. Hiện công ty này có hơn 90 DN vệ tinh cung cấp linh kiện, nhưng chỉ có 7 nhà cung cấp là DN trong nước, chủ yếu là sản phẩm in ấn, bao bì.

Không chỉ mặt hàng điện tử, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô cũng rất thấp. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỉ lệ nội địa hóa của tất cả DN trong ngành này hiện nay đều không đạt mục tiêu đề ra so với con số cam kết. Cụ thể, dòng xe dưới 9 chỗ, tỉ lệ nội địa hóa dưới 15% trong khi quy hoạch đề ra 50%; tỉ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng đạt 30 - 40%, trong khi theo quy hoạch là 60%. Honda Việt Nam là doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất song cũng chỉ chiếm gần 10%, Toyota 7%, Suzuki 3%, Ford 2%...

Lý giải về tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính yếu là chúng ta chưa phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là các linh kiện đơn giản. Năng lực DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên chưa tham gia được chuỗi cung ứng của các DN FDI, vì vậy việc chuyển giao công nghệ hầu như rất ít. Một phần nữa là do chính sách chưa ổn định hoặc chưa được cụ thể hóa khiến công nghiệp hỗ trợ vẫn loay hoay và manh mún.

Cần có quy định bắt buộc

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Theo thống kê, hơn 18.000 DN FDI thì có 82% là 100% vốn nước ngoài, nên rất khó có chuyện chuyển giao công nghệ, hoặc nếu có liên doanh thì sẽ DN Việt sẽ được dần dần chuyển giao nhưng nhiều khi chuyển giao xong thì công nghệ cũng lỗi thời, vì không phải DN nào cũng có công nghệ hiện đại khi đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, cần có quy định về công nghệ khi DN đầu tư vào Việt Nam”.

Trước đây chúng ta mới có quy định chung chung, mang tính chất khuyến khích, không có những ràng buộc về vấn đề này một cách cụ thể nên việc chuyển giao còn ít. Để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI vào nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, cần có các quy định, văn bản pháp luật theo hướng bắt buộc đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Quy định này nhằm tăng cường sự liên kết, chuyển giao công nghệ, đồng thời, cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát được nội dung công nghệ sẽ chuyển giao, ngăn chặn việc chuyển giao các công nghệ không thích hợp, công nghệ hạn chế, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực nội tại của DN trong nước, giảm khoảng cách và tăng khả năng hấp thụ công nghệ từ các DN nước ngoài, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các DN công nghệ cao. Bên cạnh đó, tự bản thân các DN Việt Nam cần tự học hỏi, nâng tầm DN để đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giúp tăng cường liên kết giữa DN trong nước với DN FDI, liên kết để các DN Việt Nam được hưởng lợi nhờ vào hợp tác, phân công về công nghệ và thị trường.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng: “Nên hình thành khu, cụm công nghiệp chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện giữa DN trong nước và các DN trong nước với DN FDI tham gia liên kết sản xuất, thiết lập mối quan hệ cung ứng”.

Cần thiết hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ, trong đó có sự tham gia của các DN nước ngoài, nên có cơ chế khuyến khích các tập đoàn lớn hợp tác với các cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề trình độ cao, các tổ chức nghiên cứu khoa học để cập nhật công nghệ, nâng cao trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay chính sách ưu đãi thu hút công nghệ nguồn, công nghệ cao còn ngặt nghèo quá. Cần tách ra thành nhiều nhóm ưu đãi trong thu hút đầu tư FDI. “Chẳng hạn, nếu chuyển giao công nghệ cao nhưng không có nghiên cứu và phát triển (R&D), ưu đãi thuế thu nhập DN là 15%, còn công nghệ cao có R&D là 10%, chính sách linh động như vậy sẽ khuyến khích được DN chuyển giao công nghệ trong quá trình đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Thu Trang