07:00 23/07/2012

Xem người Đức trùng tu di tích Cố đô Huế

Từ bờ nam trông về bờ bắc sông Hương (Thừa Thiên - Huế), ai cũng dễ dàng nhận thấy ngôi nhà bát giác ở Công viên Thương Bạc, thành phố Huế sau khi được trùng tu lại có mái ngói đỏ au, tường được phủ lên màu vôi trắng toát như lạc giữa không gian xanh.

Từ bờ nam trông về bờ bắc sông Hương (Thừa Thiên - Huế), ai cũng dễ dàng nhận thấy ngôi nhà bát giác ở Công viên Thương Bạc, thành phố Huế sau khi được trùng tu lại có mái ngói đỏ au, tường được phủ lên màu vôi trắng toát như lạc giữa không gian xanh. Xa hơn, vào trong Đại Nội, là việc phục hồi ấn chỉ "Quốc gia chi bảo" đặt giữa sân Hữu Vu và Tả Vu.


Nếu tính đến độ tinh xảo, có lẽ chẳng cần phải bàn luận gì thêm, bởi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công Huế, nhưng phủ lên ấn là một màu vàng sáng giữa không gian cổ kính làm cho người tham quan cảm thấy thiếu đi sự tương đồng, nếu không nói là quá mới.


Nhà bát giác ở công viên Thương Bạc (thành phố Huế) được làm mới quá mức.


Theo thống kê, Thừa Thiên - Huế hiện có 88 làng nghề truyền thống, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Nhiều nghề trong số đó đi liền với việc xây dựng các công trình di tích Huế như nghề mộc, chạm khắc gỗ, nề ngõa, đúc đồng, gốm sứ, luyện sắt, rèn... Từ những năm 90 của thập niên trước, khi bắt tay vào công cuộc trùng tu. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã nghĩ ngay tới việc sản xuất các tấm lợp (ngói) Thanh lưu ly (ngói có màu xanh) và Hoàng lưu ly (màu vàng).


Nghe thì đơn giản vậy thôi, chứ ngày ấy, việc tập hợp đội ngũ thợ lành nghề từ trong Nam ra ngoài Bắc cũng lắm công phu. Việc dựng lò để nung đốt cũng không hề đơn giản. Chính nhờ có những Thanh lưu ly và Hoàng lưu ly được kịp thời sản xuất mà Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, lăng Tự Đức, Minh Mạng... được tu sửa, vẻ rạng rỡ của non sông xưa như tìm thấy lại.


Bên cạnh đó là nghề nề ngõa, góp phần đáng kể vào việc xây dựng kinh đô Huế xưa và trùng tu di tích Huế ngày nay. Những nghệ nhân Huế có "bàn tay vàng" đã tạo nên những hoạ tiết, hoa văn, con giống trang trí trên các bờ nóc, bờ quyết có giá trị nghệ thuật cao. Đỉnh cao của nề ngõa là ở lăng Khải Định, nơi mà nghệ thuật khảm sành sứ theo một phong cách riêng của Huế được thể hiện một cách điêu luyện. Nay nghề nề ngoã, cùng với nghề mộc (chạm trổ, điêu khắc) đóng vai trò quan trọng trong việc trùng tu di tích.


Điện Thái Hòa, nếu chứng kiến người thợ thủ công Huế thay các cột gỗ lim giữa chính điện, cao ngất ngưởng và nặng hàng tấn mà không cần phải tháo dỡ mái xuống mới thấy được tài năng của họ. Tuy nhiên, sẽ hoàn chỉnh hơn, nếu việc sơn son, thếp vàng không quá mới so với các cột cũ như vậy.


Ai cũng có thể nhận thấy, di sản có giá trị càng lớn thì chất lượng, độ hấp dẫn của di sản càng cao. Song chất lượng của di sản còn phụ thuộc vào mức độ và chất lượng bảo tồn của di sản. Nếu di sản được bảo tồn tốt, có nghĩa là bảo tồn chân xác, càng đúng với nguyên gốc thì giá trị của di sản càng cao.


Thực tế việc bảo tồn các bức tranh tường ở cung An Định minh chứng cho điều lý giải trên. Cung được xây dựng từ năm 1919, dưới triều vua Khải Định, từng là nơi ở của ông vua này lúc chưa lên ngôi, cũng là chỗ ở của bà Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại), và chỗ ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương khi vừa thoái vị. Cung An Định có giá trị nổi bật theo kiểu kiến trúc Pháp, tồn tại đến nay gần 100 năm, đặc biệt và hết sức độc đáo bởi các bức tranh tường có nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo. Trước khi được trùng tu, nhiều mảng tường và trần nhà của cung An Định đã bị những người sử dụng về sau không ý thức được quét vôi đè lên, làm cho nó bị biến dạng, bong tróc, hoặc bị ố màu.


Nhóm chuyên gia đến từ CHLB Đức đã tiến hành phục hồi các bức tranh tường một cách chu toàn, từ việc nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi. Từ những kết quả thu thập được, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện theo thứ tự các công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn mỏng bằng keo polyacrylic, sau đó là chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường. Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino (nguyên liệu mang toàn bộ từ CHLB Đức sang).


Dự án còn giúp đào tạo được 20 công nhân lành nghề cho trung tâm. Đến cung An Định bây giờ có thể nhận thấy ngay phần trang trí nội ngoại thất đến những bức tranh tường bên trong và trần nhà của toà cung điện đều hết sức hợp lý, vừa bảo tồn được nguyên gốc và sự độc đáo của các bức tranh tường, lại vừa hài hoà, phù hợp với kiến trúc của lâu đài cổ.


Theo bà Andrea Teufel - Thạc sĩ, Giám đốc dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) tại Việt Nam, sử dụng vôi vữa truyền thống trong việc phục hồi di tích Cố đô Huế, có nghĩa là bạn trát vữa lên tường, đợi cho đến khi vữa khô, nhưng không khô hẳn mà còn hơi ẩm, tiếp đó dùng chất màu trộn với nước và vẽ trực tiếp lên mặt vữa tươi đó, không cần bất cứ loại chất kết dính hay keo nào. Trong quá trình vữa định hình cứng dần, màu vẽ sẽ dính chặt dần lên bề mặt vữa. Đó cũng là cách tốt nhất và giúp tranh tồn tại lâu nhất không những ở Việt Nam mà ở châu Âu người ta đã dùng. Có một loại vi khuẩn tốt sẽ sinh ra trong quá trình khô dần của vữa và màu ướt giúp bức tranh tường có tuổi thọ lâu trong các công trình kiến trúc ở Cố đô Huế.


Mới đây, việc sử dụng vôi vữa truyền thống còn được tiến hành trong việc phục hồi Bửu Thành Môn và Bình phong khu mộ - Lăng Tự Đức. Đây là cụm di tích được xây bằng gạch vữa, trang trí theo lối truyền thống, nhưng đã bị hư hỏng do thời gian xây dựng quá lâu cộng với khí hậu khắc nghiệt.


Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết: Có nhiều điều phải rút kinh nghiệm, nhất là đào tạo được đội ngũ thợ có tay nghề trong việc phục hồi di tích (theo cách mà nhóm chuyên gia CHLB Đức đã làm). Song, các công trình kiến trúc di tích Cố đô Huế được trùng tu trong thời gian vừa qua về cơ bản đã được Hội đồng Bảo tồn di tích quốc gia và các nhà khoa học đánh giá cao, đồng thời tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc khoa học và các tiêu chí của quốc gia và quốc tế về công tác bảo tồn, tu bổ di sản văn hóa. Và trong bất cứ trường hợp nào thì việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản đều phải đảm bảo đúng nguyên tắc bảo lưu tối đa những giá trị nguyên gốc của nó.


Bài và ảnh: Quốc Việt