02:08 01/02/2018

Xem hai chú khỉ nhân bản vô tính giống nhau như đúc ở Trung Quốc

Lần đầu tiên, các nhà khoa học tuyên bố đã tạo ra một cặp động vật linh trưởng nhân giống hệt nhau sử dụng phương pháp kỹ thuật nhân bản vô tính phức tạp 21 năm trước tạo ra cừu Dolly gây tranh cãi.

Các nhà khoa học Thượng Hải (Trung Quốc) đã thành công tạo ra hai con khỉ Macaca đuôi dài đáng yêu giống hệt nhau về bộ gen mang trong cơ thể. Kết quả của cuộc thí nghiệm được đăng tải trên tạp chí khoa học Cell vào ngày 24/1. Hai con khỉ được đặt tên là Hua Hua và Zhong Zhong.

Xem cặp khỉ được sinh ra bằng nhân bản vô tính Hua Hua và Zhong Zhong:



Hua Hua và Zhong Zhong không phải là cặp đôi động vật linh trưởng đầu tiên được nhân bản vô tính.

Trước đó, năm 1999, các nhà khoa học đã tạo ra khỉ Tetra, song lại sử dụng phương pháp nhân bản đơn giản hơn. Trong trường hợp của Tetra, các nhà khoa học phân tách phôi thai, giống quy trình tự nhiên khi một cặp song sinh hình thành.

Tuy nhiên đến Hua Hua và Zhong Zhong, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật hiện đại mới được phát triển trong chục năm trở lại đây – kỹ thuật chuyển nhân tử tế bào nhân (SCNT) trước đó tạo ra cừu Dolly.

Với kỹ thuật này, các nhà khoa học tái cấu trúc một trứng chưa được thụ thai. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ bỏ nhân tử của trứng – phần tế bào chứa phần lớn thông tin gen – và thay thế nó bằng nhân tử từ một tế bào khác. Tiếp đến, trứng được nuôi dưỡng phát triển thành một phôi thai, cấy ghép vào cơ thể mẹ đại diện. Chùm tế bào giống nhau có thể tạo ra nhiều nhân bản. Giống với trường hợp cừu Dolly, sau khi con vật ra đời, chùm tế bào gốc của nó còn được sử dụng để tạo ra 4 nhân bản khác.

Kỹ thuật SCNT đã được đưa vào sử dụng để tạo các nhân bản của hơn 20 loài động vật khác nhau bao gồm ếch, chuột, thỏ, lợn,… và thậm chí có chó. Tuy nhiên, cứ đến các cuộc thử nghiệm trên những loài linh trưởng thì lại thất bại.

Nhà khoa học Mumming Poo – tác giả của bản nghiên cứu – cho biết nguyên nhân khiến thử nghiệm trên động vật linh trưởng thất bại là do có thứ gì đó xuất hiện trong gen khỉ ngăn cản. Chính vì vậy, đội ngũ của ông Poo đã điều chỉnh phương pháp để thử nghiệm thành công nhân bản hai con khỉ Hua Hua và Zhong Zhong.

Đội ngũ khoa học của ông Poo nhận ra những con vật tạo ra từ tế bào phôi thì có khả năng sống sót cao hơn những con “hình thành” từ tế bào trưởng thành.

Nhóm khoa học của ông Poo đã thu được 79 phôi thai phát triển tốt và cấy vào 21 con khỉ cái. Kết quả là 6 trường hợp mang thai và sinh ra hai chú khỉ vào cuối năm 2017. Họ hi vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm những con khỉ con khác ra đời từ những phôi thai này.

Tuy chứng minh được sự vượt trội về mặt công nghệ song sự xuất hiện của cặp đôi nhân bản vô tính này đã khiến một bộ phận dư luận lo lắng về tình trạng vi phạm đạo đức. Con người thuộc họ linh trưởng. Với Hua Hua và Zhong Zhong, dường như các nhà khoa học đã phá vỡ rào cản và điều đó có nghĩa là công nghệ này có thể được áp dụng lên con người.

Những người đứng sau công trình nghiên cứu trên cho biết họ không hề có ý định thử lên con người và họ tin rằng kết quả thí nghiệm này sẽ trở thành một đề tài bàn luận rộng rãi về luật lệ và quy định của thế giới liên quan đến các vấn đề nhân bản vô tính.

Hua Hua và Zhong Zhong hiện vẫn đang được cho bú bình và phát triển bình thường. Chúng được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Khi lớn hơn, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của chúng để kiểm tra xem có gặp bất kỳ vấn đề nào không.

“Hai con khỉ rất hoạt bát và khỏe mạnh, chúng phát triển nhanh như những đứa bé vậy. Mỗi ngày chúng lại hoạt bát hơn và đến hiện tại vẫn chưa thấy có dấu hiệu bất thường”, tác giả Qiang Sun nhận xét.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức