01:13 29/01/2023

Xe tăng phương Tây gây nguy hiểm với bước đi tiếp theo của Nga như thế nào

Moskva có thể tăng cường phòng thủ hoặc tấn công nhưng đang gặp khó khăn trong việc giành thêm kiểm soát lãnh thổ. Dường như cuộc chiến ở Ukraine cho thấy người Nga có thể đã không tính đến việc Kiev tiếp nhận xe tăng hiện đại.

Chú thích ảnh
Xe tăng hiện đại của phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine đáng kể trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Bloomberg

Từ nhiều tháng trước khi phương Tây xác nhận chuyển xe tăng cho Ukraine, viễn cảnh chuyển giao xe tăng đã thay đổi động lực chiến trường khi buộc Nga phải hành động nhanh hơn so với kế hoạch, hoặc sẵn sàng làm như vậy.

Mỹ, Đức, Ba Lan và các đồng minh khác của Ukraine ngày 25/1 cho biết họ sẽ gửi hàng chục xe tăng hiện đại, mở rộng đáng kể cam kết của Anh là 14 chiếc vào đầu tháng này. Các chuyên gia quân sự cho biết, các phương tiện bọc thép của phương Tây có khả năng cơ động tiên tiến và sát thương mạnh hơn bất kỳ loại xe tăng nào mà lực lượng Nga sở hữu, sẽ tới Ukraine, đáp lại lời kêu gọi 300 chiếc xe tăng của Kiev.

Các quan chức Nga đã chỉ trích các cam kết viện trợ xe tăng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ngày 26/1 rằng Moskva coi các cam kết cung cấp xe tăng và các loại vũ khí khác là làm gia tăng “sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột”. Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, cho biết hôm 25/1 trên kênh Telegram rằng "xe tăng Mỹ chắc chắn sẽ bị phá hủy" cùng với các thiết bị phương Tây khác ở Ukraine.

Mặc dù xe tăng phương Tây - Challenger 2 của Anh, Leopard 2 do Đức sản xuất và Abrams của Mỹ - có thể hỗ trợ Ukraine đáng kể trong cuộc xung đột với Moskva, nhưng quân đội Nga có thể sẽ không chạm trán với chúng trước mùa xuân. Các lực lượng Ukraine trước tiên phải học cách vận hành các thiết bị phức tạp, sau đó huấn luyện sử dụng các phương tiện này theo đội hình phối hợp cùng với xe bộ binh bọc thép và bộ binh.

Trong khi đó, các chỉ huy Nga sẽ cố gắng phán đoán xem Ukraine có thể sử dụng vũ khí mới ở đâu và như thế nào, đồng thời đánh giá cách phản ứng tốt nhất. Moskva sẽ cần phải quyết định làm thế nào để cân bằng giữa các biện pháp phòng thủ và tấn công, và nên hành động trước hay chờ đợi một cuộc tấn công của Ukraine được dự đoán là vào mùa xuân.

Chú thích ảnh
Xe tăng Abrams, Leopard và AHS Krab trong một buổi tập luyện tại Ba Lan vào ngày 21/9/2022. Ảnh: Nurphoto 

Lợi thế về số lượng của xe tăng Nga

"Rõ ràng là người Nga sẽ nhắm mục tiêu vào xe tăng", Trung tướng Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Stephen Twitty nói. Ông từng dự đoán rằng nếu Ukraine có thể huy động đủ số lượng vũ khí mới, lực lượng Nga sẽ không thành công trong việc ngăn chặn chúng.

Ukraine hiện có hàng trăm xe tăng thời Liên Xô, bao gồm từ kho vũ khí của chính họ, hoặc do các đồng minh Khối Warsaw cũ cung cấp cùng với những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm. Nhưng tổng số lượng của chúng vẫn nhỏ hơn so với kho xe tăng tương tự của Nga.

Xe tăng là vũ khí cực kỳ mạnh mẽ, kết hợp tính cơ động, khả năng bảo vệ và khả năng sát thương, nhưng được sử dụng tốt nhất khi kết hợp nhiều hệ thống trên bộ và trên không. Quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện ở các nước Tây Âu để đạt được sự thành thạo trong các chiến thuật đó, nhưng chương trình đào tạo cần thiết có nghĩa là xe tăng chỉ có thể tham chiến vào mùa xuân.

Khoảng trống đó cho Nga thời gian để thích nghi. Các bước chuẩn bị có thể bao gồm tăng cường phòng thủ vật lý như hàng rào và chiến hào, cho đến củng cố đội xe tăng và tấn công phủ đầu các vị trí của Ukraine.

Xe tăng của Nga kém tinh vi hơn so với các mẫu phương Tây, nhưng Moskva có số lượng nhiều hơn, có khả năng lên tới hàng nghìn chiếc. Uralvagonzavod, nhà sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga, cũng đang tăng cường sản xuất xe tăng mới dưới áp lực từ Điện Kremlin.

Bà Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Rand Corp, một tổ chức nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại California, đánh giá: “Tương quan lực lượng về số lượng thô có lợi cho Nga".

Mikhail Barabanov, một nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích và Công nghệ Chiến lược có trụ sở tại Moskva, cho biết 31 xe tăng Abrams sẽ không thay đổi đáng kể cục diện chiến trường. Ông nói: “Mục đích của việc cung cấp số lượng hạn chế vũ khí phương Tây không phải là một chiến thắng quyết định của Ukraine mà là làm tăng sự tiêu hao với các lực lượng Nga.

Điểm yếu của xe tăng Nga trước dàn xe tăng phương Tây

Tuy nhiên, ông Barabanov cho biết xe tăng phương Tây có nhiều vũ khí hiện đại hơn với hỏa lực vượt trội, khiến người Nga gặp bất lợi nếu giao chiến diễn ra ở khoảng cách xa hơn. Xe tăng phương Tây cũng có khả năng nhắm mục tiêu tiên tiến hơn, bao gồm tầm nhìn ban đêm tốt hơn, có khả năng cho phép chúng phát hiện ra các phương tiện của Nga trước khi bị phát hiện.

Ed Arnold, một nhà nghiên cứu tại Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia Vương quốc Anh, cho biết: “Thông thường trong một trận chiến giữa xe tăng với xe tăng, bên nào bắn được trước sẽ chiến thắng".

Chú thích ảnh
Ukraine dự kiến nhận khoảng 100 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất. Ảnh: AFP/Getty Images 

Moskva đã mất một phần lớn xe tăng ngay từ đầu cuộc chiến và nhiều xe tăng trong kho đang ở tình trạng kém. Nhưng số lượng lớn vẫn có thể sử dụng được và có thể được lấy từ nguồn dự trữ, bà Massicot nhận định. Một trở ngại lớn hơn nguồn cung cấp xe tăng có thể là nhân lực.

Bà Massicot nói: “Vấn đề của Nga là không có đủ kíp chiến đấu xe tăng được đào tạo bài bản vì họ đã mất quá nhiều người trong những ngày đầu của cuộc chiến". Bà cho biết Nga hiện đang huấn luyện một phần đáng kể trong số 300.000 binh sĩ được huy động gần đây, nhưng không rõ có bao nhiêu người đang được huấn luyện cho các hoạt động của xe tăng thay vì các vai trò bộ binh cơ bản hơn.

Nếu Nga triển khai thêm xe tăng, họ sẽ phải quyết định sẽ làm như thế nào. Moskva có thể giữ lại đội xe đó để đối phó với quân tiếp viện mới của Ukraine, hoặc có thể chọn hành động sớm hơn, trước khi đội xe Leopard và Challenger mà Kiev nhận được sẵn sàng hành động.

Tuy nhiên, Nga đã và đang cố gắng giành giật các vị trí từ lực lượng Ukraine, với thành công hạn chế, vì vậy khả năng nhanh chóng đạt được nhiều thắng lợi hơn nữa vẫn chưa chắc chắn.

Ông Arnold cho biết: “Nga chỉ đạt được những lợi ích gia tăng với chi phí cao” và chủ yếu sử dụng lực lượng bộ binh. Theo ông, một cuộc tấn công phức tạp hơn sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực và đào tạo hơn.

“Nếu người Nga chuẩn bị cho các hoạt động tấn công và thất bại, điều đó sẽ khiến các hoạt động phòng thủ trở nên khó khăn hơn nhiều và họ sẽ dễ bị Ukraine tấn công hơn rất nhiều", ông Arnold nhận định.

Tướng Mỹ Twitty nói rằng các lực lượng Ukraine đến nay đã có lợi thế hơn quân đội Nga về ý chí chiến đấu, mặc dù chỉ được trang bị những thiết bị tối thiểu. “Giờ đây, với thiết bị tinh vi cùng với ý chí và sự kiên trì, điều này có khả năng thay đổi cán cân” nếu Ukraine có thể làm chủ hàng loạt thiết bị của mình. “Những gì họ cần là hỏa lực chiến đấu áp đảo để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường", viên tướng nói.

Những lựa chọn của Nga

Lực lượng Nga có thể lựa chọn cải thiện vị trí phòng thủ của họ hơn là tấn công. Bà Massicot cho biết họ có thể tăng gấp đôi những nỗ lực đã được tiến hành dọc chiến tuyến để gài mìn, đặt chướng ngại vật và đào hào cản trở xe tăng hiện đại.

Một lựa chọn khác cho Moskva là tiếp tục theo kế hoạch trước đó. Các chiến thuật của Nga đã thay đổi rất ít trong cuộc xung đột này, ngay cả khi Ukraine đã sử dụng các cách tiếp cận chiến đấu đa dạng và đang phát triển. Chiến lược của Moskva chủ yếu dựa vào các trận địa pháo lớn và các đợt bộ binh, chấp nhận tổn thất.

Sau khi Ukraine bắt đầu tấn công các mục tiêu của Nga vào mùa hè năm ngoái bằng vũ khí chính xác, bao gồm cả bệ phóng tên lửa di động HIMARS do Mỹ tài trợ, Moskva đã điều chỉnh bằng cách di chuyển một số vật tư và căn cứ ra khỏi tầm bắn. Nhưng các quan chức quân sự phương Tây cho biết có rất ít thay đổi khác trong chiến thuật của Nga.

Yohann Michel, nhà phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết: “Cuộc chiến cho thấy người Nga có thể đã không tính đến việc Kiev tiếp nhận xe tăng [hiện đại]".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Wall Street Journal)