11:10 12/11/2019

Xe kinh doanh taxi ‘dễ thở’

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa “nới lỏng” quản lý đối với phương tiện vận tải dưới 9 chỗ kinh doanh taxi, tạo điều kiện bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Theo dự thảo một nghị định mới, các quy định trong đó sẽ không bắt buộc taxi truyền thống, taxi công nghệ và taxi có ứng dụng công nghệ phải bắt buộc gắn hộp đèn ghi chữ "TAXI". Tuy nhiên, các xe phải có phù hiệu bằng chất liệu phản quang dán trên kính trước hoặc sau ghi dòng chữ "XE TAXI" nếu không gắn hộp đèn. 

Bộ GTVT cho rằng, việc sửa đổi các quy định là phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 và các thông lệ quốc tế, không bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn gắn cố định trên nóc xe; tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; đồng thời, việc quản lý Nhà nước đối với taxi được thực hiện bằng các công cụ nhận biết trực quan, qua thiết bị giám sát hành trình và bằng chính phần mềm của các doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Hiện nay, điểm khác biệt rõ nhất giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ là ở mào (hộp đèn trên nóc xe). Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho hay, việc cho phép doanh nghiệp được chủ động lựa chọn hình thức gắn hộp đèn hoặc gắn phù hiệu sẽ góp phần giám sát, nhận biết tốt hơn và xóa bỏ được những tranh cãi về quản lý loại hình vận tải taxi thời gian qua. Đáng chú ý là tạo điều kiện cho taxi truyền thống hoạt động chủ động hơn, có thể tự chuyển đổi thành taxi công nghệ nếu áp dụng những công nghệ gọi xe hiện nay.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, xe kinh doanh vận tải khách bằng taxi vẫn phải quản lý chặt từ gốc. Vì theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, taxi có hai loại là taxi dùng bộ đàm và taxi dùng phần mềm tính tiền. Hiện nay, có 5 Bộ liên quan tới công tác quản lý về quy định này, mặc dù các Bộ đã thống nhất chọn phương án xe taxi ứng dụng phần mềm được lựa chọn gắn hộp đèn hay không, Bộ GTVT là cơ quan quản lý trực tiếp phải thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ phương án này.

“Quy định lựa chọn gắn hộp đèn giúp taxi hoạt động linh hoạt hơn. Quy định cứng xe taxi ứng dụng phần mềm không được gắn sẽ khó cho loại hình này, vì khi đó nếu loại xe này mà gắn hộp đèn vào sẽ vi phạm thay đổi kết cấu xe, không được đăng kiểm. Việc gắn hộp đèn không còn ý nghĩa trong quản lý khi chúng ta đã quản lý được doanh nghiệp từ gốc”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm, theo quy định tại định nghĩa về vận tải trong dự thảo Nghị định, các ứng dụng gọi xe như Grab, Be, Go Viet… sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải và là doanh nghiệp vận tải. Grab, Be, Go Viet… có thể ký hợp đồng dân sự với doanh nghiệp khác giúp mình thực hiện một công đoạn hay công việc nào đó, nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với phương tiện, chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn giao thông. Khi Nghị định ban hành, Grab hay ứng dụng nào khác sẽ phải cân nhắc về vấn đề quy mô doanh nghiệp để quản lý được con người, phương tiện.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Go Viet… phải chuyển dữ liệu hoạt động về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công an, cơ quan thuế… để các đơn vị này giám sát. Qua đó, cơ quan quản lý có thể quản lý thông tin lái xe, số lượng xe, xử phạt vi phạm...

Trước các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, về lâu dài cần có màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải taxi. Bảng chữ Xe hợp đồng cũng cần dán khổ lớn, chất liệu phản quang, dán 1 lần với kích thước 12 x 30 cm, kết hợp với tem đăng kiểm xe cơ giới có màu riêng biệt và niêm yết biểu trưng thông tin của đơn vị vận tải ở hai bên cánh cửa trước của xe với kích thước phù hợp. Đi cùng đó là các quy định mức xử phạt hợp lý để có thể răn đe các hành vi vi phạm.

Vân Sơn/Báo Tin tức