03:12 31/03/2011

Xe buýt ngày càng được ưa chuộng

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã chuyển sang sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại thay cho các phương tiện cá nhân trong bối cảnh xăng dầu liên tiếp tăng giá.

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã chuyển sang sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại thay cho các phương tiện cá nhân trong bối cảnh xăng dầu liên tiếp tăng giá.

Lợi nhiều mặt

Chị Quyên, một nhân viên văn phòng sống tại quận 12 tâm sự: “Tôi đi làm tận quận 1 nên mỗi ngày phải bỏ ra khoảng 20.000 đồng tiền xăng, đấy là chưa kể những hôm phải đi giao dịch, chi phí có khi lên đến 30.000 đồng là chuyện thường. Tính cả hai vợ chồng, mỗi ngày hết ngót nghét 40.000 -50.000 đồng tiền xăng xe”. Trong khi đó, nếu đi tuyến xe buýt số 4, mỗi ngày chị Quyên chỉ cần bỏ ra tổng cộng 8.000 đồng cho hai lượt đi và về.

Những người có thu nhập trung bình còn “đau đầu” với giá xăng đến vậy, huống chi người có thu nhập thấp. Anh Lê Sơn ngụ tại Gò Vấp chia sẻ: “Hai vợ chồng mình đều là công nhân, thu nhập hàng tháng chẳng được bao nhiêu nên từ khi xăng lên giá, đời sống càng khó khăn gấp bội”. Sau khi hai vợ chồng bàn bạc kỹ, anh Sơn quyết định đi làm bằng xe buýt.

Xe buýt đang trở nên được ưa chuộng hơn bao giờ hết.


Hiện nay, giá vé xe buýt áp dụng đối với cự ly dưới 31 km là 4.000 đồng, tương đương chỉ khoảng 130 đồng/km. Trong khi đó, tính toán của nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nếu đi xe máy trong điều kiện mật độ giao thông dày đặc, đường sá thường xuyên kẹt xe như TP.HCM, người dân phải bỏ ra khoảng 650 đồng/km. Đấy là chưa tính đến phí gửi xe từ 2.000 – 3.000 đồng/lượt.

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, việc đi lại bằng xe buýt còn giúp người dân hạn chế được tai nạn giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tình trạng kẹt xe cho thành phố, qua đó giảm bớt áp lực về công tác quản lý cho các cấp chính quyền.

Cơ hội cho ngành vận tải công cộng

Việc người dân chuyển sang sử dụng xe buýt thay phương tiện cá nhân có thể coi là một cơ hội phát triển cho ngành vận tải công cộng vì trong thực tế, lâu nay người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với xe buýt. Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, kể từ thời điểm xăng tăng giá, lượng hành khách đi xe buýt có mức tăng trung bình từ 4-6% trên các tuyến. Một số tuyến như số 4, 9, 24…, mức tăng thậm chí còn cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, ngành vận tải công cộng có nắm bắt được cơ hội này hay không lại là một vấn đề lớn. Hiện nay, toàn thành phố có gần 3.200 xe buýt các loại, trong đó chủ yếu là xe được đầu tư từ năm 2003 nên đã xuống cấp trầm trọng. Theo kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ đầu tư khoảng 1.900 tỉ đồng mua thêm 1.680 xe buýt mới, đồng thời, thanh lý các xe buýt không đủ điều kiện hoạt động. Việc đầu tư là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, thành phố nên cân nhắc kỹ nên mua mới xe loại nhỏ hay loại lớn sao cho phù hợp với điều kiện đường sá hiện nay.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ trên các tuyến để xe buýt thực sự trở thành “phương tiện thân thiện” của người dân. Hiện nay, các tuyến xe buýt của thành phố đang dần chuyển sang sử dụng các “thùng vé tự động”, thẻ thông minh dành cho hành khách nhằm tạo thói quen văn minh và sự thuận tiện tối đa cho người dân. Hiệu quả đã rõ nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa thể khắc phục một sớm một chiều.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nâng mức trợ giá cho xe buýt nhằm bù đắp cho việc gia tăng chi phí nhiên liệu. Theo đó, mức giá vé sẽ vẫn được giữ nguyên nhằm khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này. Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: “Trung tâm đã chuẩn bị xe dự phòng để đưa vào sử dụng nếu lượng hành khách đi xe buýt tăng đột biến trong thời gian tới”.

Hào Vũ