07:18 04/07/2014

Xây ước mơ giảng đường trên đôi tay cha

Bị teo cơ bẩm sinh, không thể tự bước trên đôi chân của mình, Lê Xuân Bách, sinh năm 1992 (Lâm Thao, Phú Thọ) đi thi Học viện Bưu chính Viễn thông trên đôi tay của người cha nông dân.

Bị teo cơ bẩm sinh, không thể tự bước trên đôi chân của mình, Lê Xuân Bách, sinh năm 1992 (Lâm Thao, Phú Thọ) đi thi Học viện Bưu chính Viễn thông trên đôi tay của người cha nông dân.


Trống báo kết thúc giờ thi vang lên, một người đàn ông gầy nhỏ, mặc bộ quần áo bộ đội cũ lặng lẽ bước vào sân trường. Các sinh viên tình nguyện tại Học viện Bưu chính viễn thông dường như đã trở nên thân quen với ông, nhiệt tình dẫn ông vào phòng thi để đón con. Đó là ông Lê Văn Hồng (Phú Thọ), cha của thí sinh Lê Xuân Bách, dự thi tại Học viện Bưu chính Viễn thông.


Bách đi thi trên đôi tay cha.


Từ khi Bách học cấp 1, cảnh người cha nông dân chất phác, gầy guộc bế con đến trường đã quá quen thuộc với nhiều người dân ở xã Yên Kiện, Lâm Thao (Phú Thọ). Sinh ra, khỏe mạnh bình thường nhưng đến 4 tuổi, Bách càng ngày càng ốm yếu, đi hay ngã, dáng đi liêu xiêu và chậm hơn người bình thường. Bố Bách kể: “Năm Bách học lớp 3, khi đó vẫn tập tễnh đi lại được. Trường tiểu học không có nhà vệ sinh nên Bách phải ra sau trường để đi vệ sinh. Trên đường đi, em nó bị ngã và không thể ngồi dậy. Khi mẹ đến đón, không thấy Bách đâu, hớt hải đi tìm thì thấy Bách ở sau trường. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Từ đó gia đình mới biết được Bách không thể đi lại bình thường được”.


Trong nhiều năm, bố mẹ Bách đã đưa em đi khám chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng căn bệnh của em không hề thuyên giảm. Đôi chân Bách ngày càng teo tóp lại, sức khỏe cũng không được tốt, đến giờ em chỉ nặng 40 kg. Bố của Bách kể: “Mặc dù bệnh, không thể đi lại, không được chạy nhảy vui đùa như các bạn cùng trang lứa nhưng Bách luôn vui vẻ, lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống. Nhiều lúc nhìn con cười mà mình cũng thấy tan hết mệt nhọc”.


Sau khi kết thúc môn Toán sáng nay, Bách tươi cười cho biết, em làm được khoảng 70% bài thi.


Hoàn cảnh gia đình Bách cũng không khá giả gì, bố em là nông dân, hàng ngày ở nhà chăm sóc vườn cây và đàn vịt, mẹ em là giáo viên một trường cao đẳng trong tỉnh, mọi sinh hoạt của gia đình đều trông cậy vào đồng lương của mẹ và đàn vịt của bố. Dù vậy, bố mẹ vẫn luôn động viên Bách đi học và tìm thầy chạy chữa cho em. Bách kể, mỗi khi nghe tin ở đâu có thầy thuốc giỏi chữa bệnh, bố mẹ em đều không quản ngại xa xôi, tìm đến để chữa bệnh cho em, nhưng đến giờ, Bách biết căn bệnh của mình không thể chữa trị.


Lặng lẽ nhìn đôi tay nhỏ, đã bị co quắp lại, Bách nói: “ Từ bé em đã thích học vẽ và thiết kế nhưng tay càng ngày càng cong nên việc vẽ ngày càng khó, nét vẽ cũng không còn đẹp như trước nữa. Học hết cấp 2, bố mẹ mua cho em một bộ máy tính để bàn, em tự mày mò học vẽ đồ họa trên máy, thỉnh thoảng giúp mẹ soạn giáo án trên world và powerpoint nên quyết định thi vào khoa Công nghệ đa phương tiện của Học viện Bưu chính Viễn thông”.


Bách cho biết thêm, sau khi học hết lớp 12, em đã nghỉ học, đi sửa chữa điện thoại, điện tử. Nhưng sau đó, em vẫn thiết tha muốn được trở thành sinh viên, được học đại học nên bố mẹ động viên em đi thi năm nay.


Khi 2 bố con Bách đến trường làm thủ tục dự thi thì được sinh viên tình nguyện giúp đỡ tìm phòng ở ký túc xá Học viện Bưu chính Viễn thông. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Bách, anh Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư đoàn trường Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, trường sẽ miễn phí tiền thuê phòng trọ cho bố con Bách trong thời gian thi và sẽ có hỗ trợ khi em thi đỗ và nhập học tại trường.



Thu Trang

1