09:10 13/09/2019

Xây nhiều trường mới nhưng học sinh được học bán trú vẫn giảm

Dù mỗi năm đều đưa vào sử dụng thêm trường học, phòng học mới nhưng số lượng học sinh được học bán trú tại TP Hồ Chí Minh vẫn giảm.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết để chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (triển khai từ năm học 2020 - 2021), Sở đã có một số dự thảo, trong đó có việc ưu tiên sắp xếp phòng học cho học sinh lớp 1, đồng thời khuyến khích các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND quận, huyện và UBND Thành phố tìm cách xây dựng thêm nhiều trường mới để đáp ứng lượng học sinh tăng cơ học mỗi năm.

Chú thích ảnh
Trong năm học 2019 -2020, TP Hồ Chí Minh đã khánh thành 12 trường tiểu học mới nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu do số học sinh cơ học tăng.

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, vấn đề khó khăn nhất mà ngành giáo dục thành phố đang gặp phải đó là số lượng phòng học dành cho học sinh còn khá thấp nên bắt buộc phải tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, đặc biệt là ở những quận vùng ven có số dân nhập cư đông. Áp lực sĩ số học sinh quá đông đã ảnh hưởng đến những nội dung khác, chẳng hạn một số trường phải cải tạo phòng nghệ thuật, âm nhạc, thậm chí cả hội trường giáo viên... thành phòng học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn nhìn nhận, mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày nhằm chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, nhiều nơi phải duy trì sĩ số trên 50 học sinh/lớp gây ảnh hưởng công tác quản lý và đảm bảo chất lượng dạy học.

"Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, thành phố khánh thành đưa vào sử dụng 12 trường tiểu học mới nhưng chỉ có thể giải quyết được nhu cầu số học sinh tiểu học tăng trung bình 5.000 em. Nếu tính theo điều lệ trường tiểu học chuẩn quốc gia, cho phép mỗi trường tiếp nhận 900 đến 1.000 học sinh thì hàng năm thành phố phải xây dựng thêm rất nhiều trường mới đáp ứng đủ nhu cầu", ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho biết.

Để xây dựng trường học mới thì phải có nhiều quỹ đất nhưng hiện nay quỹ đất của thành phố rất hạn hẹp. Theo đó, để giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, thành phố đã kiến nghị nâng tầng trường học nhưng kiến nghị này cũng gặp phải khó khăn vì liên quan đến quy định quản lý đô thị. Bên cạnh đó, nhiều trường học được xây dựng trước đây theo tiêu chuẩn, thiết kế cũ thì đến nay không còn phù hợp và những quy định chung của quản lý đô thị, xây dựng cũng ảnh hưởng đến việc xây trường học mới tại các quận nội thành.

Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã biểu dương, đánh giá cao TP Hồ Chí Minh trong việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và cả chuyên môn, đáp ứng yêu cầu dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi). Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng văn hóa đọc, công tác đảm bảo vệ sinh trường học… cũng thực hiện rất tốt, là điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức