04:08 26/04/2015

Xây dựng văn hóa giao thông: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Trong số nguyên nhân gây tai nạn giao thông những năm vừa qua có tới 80% số vụ xảy ra do ý thức của người tham gia giao thông.

Theo các cơ quan chức năng, trong số nguyên nhân gây tai nạn giao thông những năm vừa qua có tới 80% số vụ xảy ra do ý thức của người tham gia giao thông. Việc loại bỏ thói quen không chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông được xem là một giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông mà các ngành chức năng của Thủ đô đang tích cực triển khai.

Vi phạm từ ý thức

Mặc dù đã có các chế tài xử phạt đối với người vi phạm Luật Giao thông Đường bộ nhưng thực tế giao thông ở Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.

Chia sẻ về thực tế trên, ông Phạm Văn Lương sống ở khu chung cư Linh Đàm bày tỏ, hàng ngày phải vào trung tâm để làm việc, ông nhiều lần bắt gặp trên các đường phố Hà Nội tình trạng người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lấn làn, đè vạch, bóp còi xe inh ỏi... Tại các tuyến đường phân làn phương tiện như: Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế… vẫn xuất hiện tình trạng ô tô đi vào làn đường xe máy, xe máy lấn làn của ô tô, xe máy phóng tùy tiện lên vỉa hè chiếm đường của người đi bộ. Thậm chí, người đi bộ tùy tiện “băng” qua đường mà không đi theo dải sang đường dành riêng hoặc đi theo hầm bộ hành.

Chiến sĩ cảnh sát giao thông Đội 1 tiến hành xử lý học sinh điều khiển xe đạp máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên vẫn gia tăng với các lỗi vi phạm chủ yếu như: dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn; xe máy kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng... Nguyên nhân do một bộ phận phụ huynh vẫn còn dung túng con em đi xe máy đến trường (chưa đủ tuổi để thi lấy bằng lái xe), thiếu quan tâm giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật.

Phân tích những bất cập trong ý thức của người tham gia giao thông tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Dư , chuyên gia giao thông cao cấp của Dự án Phát triển nguồn nhân lực An toàn giao thông tại Hà Nội (gọi tắt là TRAHUD) phân tích, Bangkok (Thái Lan) là thành phố có mật độ giao thông chủ yếu là xe cơ giới 4 bánh, lớn hơn của Hà Nội rất nhiều. Tại đây cũng có thời điểm, những đoạn đường ùn xe rất dài nhưng họ vẫn chấp hành nghiêm chỉnh vạch sơn và biển báo phân làn, làn nào đi vào làn đấy, có làn xếp hàng dài hơn làn bên kia cả trăm mét nhưng họ vẫn không chen sang bởi đã có vạch sơn liền giữa hai làn, không được phép vượt qua. Vì vậy, tại Bangkok, khi tham gia lưu thông, dù đông xe nhưng không xảy ra tình trạng tắc đường mà chỉ bị ùn ứ.

Thực tế trên cho thấy, để giao thông Hà Nội văn minh, trật tự như Băng Kok thì việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ và các quy định trong giao thông đô thị của người dân phải trở thành thói quen, hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó cần sớm loại bỏ hàng vi coi thường Luật và các quy tắc giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn.

Theo đó, người tham gia giao thông phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn giao thông: Đó là Luật Giao thông Đường bộ và các quy định trong giao thông đô thị. Cụ thể, người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe phù hợp, phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Người điều khiển phương tiện xe cơ giới không được uống rượu bia, phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, đi đúng làn đường, phần đường, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều hành giao thông, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường và nhường đường cho người đi bộ…


Nêu cao trách nhiệm của cơ quan chức năng

Ngoài nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông chưa tiến kịp tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân thì những thói quen xấu của người tham gia giao thông nêu trên là nguyên nhân gây nên hàng chục điểm ùn tắc giao thông trong nội thành. Một trong những điều kiện cơ bản để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là các cơ quan quản lý phải làm tốt trách nhiệm của mình.

Theo ông Dư, trước tiên, ngành giao thông vận tải cần đảm bảo đường giao thông đầy đủ các biển báo, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đường được cải tạo mở rộng và làm mới, bổ sung thêm các loại hình vận tải theo quy hoạch được duyệt, tổ chức giao thông phù hợp với từng thời kỳ, nhằm giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để người tham gia giao thông và người dân nói chung hiểu Luật Giao thông và các quy định hệ thống biển báo giao thông, cung cấp kiến thức để thực hành văn hóa giao thông.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông Vận tải được trang bị đầy đủ thiết bị để phát hiện, điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ trong mọi tình huống; xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại và chiếm dụng các công trình giao thông như: đường hè để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông Đường bộ và thực hành văn hóa giao thông.

Hệ thống theo dõi công khai cần có để người tham gia giao thông hiểu rằng nếu họ vi phạm sẽ bị xử lý trong mọi trường hợp. Tình trạng buôn bán, hàng rong trên vỉa hè, trước hết là các trục chính, các tuyến đường phố có mật độ giao thông cao được giải quyết triệt để. Trong trường hợp thực sự cần thiết, có thể tập trung hàng rong vào khu vực thích hợp phục vụ những người có nhu cầu.


Tuyết Mai
(TTXVN)