07:18 26/07/2021

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trước thềm Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài viết "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cử tri Đà Nẵng, Cà Mau và Bắc Ninh về một số nội dung liên quan đến công tác xây dựng luật pháp, việc triển khai, thực thi pháp luật vào cuộc sống; việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác lập pháp hiện nay.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân

Luật sư Lê Thanh Thuận, Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau đánh giá, cho tới nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có sự gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Kết quả đạt được là đại đa số các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều có văn bản tầm luật điều chỉnh với hơn 230 Bộ luật và Luật đang có hiệu lực áp dụng…

Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng, công tác lập pháp nhằm tạo hành lang pháp lý để Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Và thực tế, hoạt động lập pháp đã tạo ra được những đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, quy trình lập pháp cần phải được tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm nâng cao tính khả thi, phù hợp hơn nữa với thực tiễn… Để làm được điều này thì việc mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật là yếu tố tiên quyết.

Luật sư Lê Thanh Thuận cho rằng, để đảm bảo sự bao phủ của pháp luật đến với mọi mặt của đời sống thì việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, huy động sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dan trong quá trình xây dựng luật pháp đóng vai trò then chốt. Bởi, mỗi nghị định, thông tư đều dựa trên luật của Quốc hội ban hành, do đó, yếu tố chủ quan, duy ý chí vào xây dựng luật cần phải được triệt tiêu.

“Cơ quan ban hành luật phải dựa trên cơ sở tổng kết ngành, mỗi ngành có mỗi đặc thù riêng và việc thực thi cũng có những thuận lợi, khó khăn riêng. Trên cơ sở đó, cơ quan ban hành pháp luật thậm chí đưa ra ý kiến và góp ý cụ thể. Đối với những văn bản mang tính chất điều chỉnh rộng thì đương nhiên cần lý ý kiến của toàn thể nhân dân, rồi chọn lọc lấy ý kiến chung, sau đó đưa vào quy phạm pháp luật. Điều này không chỉ giảm thiểu độ chênh, chồng chéo giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành luật mà còn giúp hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan ban hành pháp luật, cơ quan tổ chức thi hành luật và cơ quan bảo vệ pháp luật”, Luật sư Lê Thanh Thuận góp ý.

Theo luật sư Nguyễn Thị Kiều Duyên (Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Vinh Phú tại Đà Nẵng), bài viết đã nhấn mạnh việc vận dụng, phát huy những thành tựu vô giá của tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn hiện nay.

Trong đó, Luật sư Kiều Duyên tâm đắc nhất ý: “Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, huy động sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng luật pháp. Mục đích của pháp luật là vì con người, vì nhân dân phục vụ, bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

Theo Luật sư Kiều Duyên, những luật sư là người có tư cách là độc lập, đứng ở giữa với nhà nước với nhân dân. Vì vậy, để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, người luật sư cần góp phần tuyên truyền pháp luật, chính sách hiệu quả cho nhân dân; đồng thời tham gia đóng góp ý kiến với các cấp nhà nước để xây dựng chính sách, pháp luật về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, và hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật sư Nguyễn Tứ (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) nêu quan điểm: Mọi quy định pháp luật được ban hành đều xuất phát từ quan hệ xã hội và một văn bản luật được ban hành sẽ tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của một hoặc nhóm đối tượng nhất định. Thực tế những văn bản pháp luật khi ban hành phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thì quá trình thi hành sẽ mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu dự thảo văn bản luật chưa phù hợp với thực tiễn sẽ dẫn tới những khó khăn trong quá trình thực thi, khó triển khai vào thực tế cuộc sống, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Do đó, vai trò của các tầng lớp nhân dân (các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý ...) trong việc góp ý xây dựng các văn bản luật là đặc biệt quan trọng và đây cũng chính là khâu, thủ tục bắt buộc trong quy trình ban hành văn bản luật được quy định tại Hiến pháp 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Vì vậy, Luật sư Nguyễn Tứ kỳ vọng và tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong quá trình đưa ra các văn bản pháp luật, bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật

Cử tri Đỗ Văn Đại, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau khi nghiên cứu bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri nhận thấy toàn bộ viết đều thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 Xuyên suốt là sự kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Ứng với thực tế, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng thường xuyên có điều chỉnh, bổ sung đáp ứng với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, với quan điểm tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân nên việc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đều dựa trên tư tưởng dân làm gốc, xây dựng pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Đây là điểm khác biệt của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật ở các chế độ xã hội khác. “Điều này đã được thể hiện mỗi khi sửa đổi, bổ sung, xây dựng các điều luật, bộ luật mới, Quốc hội đều lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và toàn bộ nhân dân. Với vai trò là đơn vị bảo vệ pháp luật, trong thời gian tới, cử tri sẽ tiếp tục cùng cán bộ, nhân viên ngành tòa án, tiếp tục nghiên cứu kỹ, thực hiện nghiêm pháp luật. Nhất là trong công tác xét xử bảo đảm xử đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”, cử tri Đỗ Văn Đại nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với cử tri Đỗ Văn Đại, cử tri Trần Hoàng Hùng Cường, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua, trong quá trình xây dựng pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, huy động sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng luật pháp trên quan điểm pháp luật là vì con người, vì nhân dân phục vụ, bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan ban hành pháp luật, cơ quan tổ chức thi hành pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi vậy, thời gian qua các văn bản Luật, Bộ Luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành đều dễ hiểu, dễ thực hiện, nhanh chóng được triển khai vào thực tế cuộc sống. Hiến pháp, pháp luật luôn được tôn trọng, đề cao, bảo đảm thực hiện nghiêm minh.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tiến sĩ Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau cho rằng, không phải đương nhiên mà văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng đã xây dựng mục tiêu “vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay”. Đây là kết quả của quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn toàn diện kết quả thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu “vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hành đều của dân. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải vì nhân dân, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất của mình. Sức mạnh của Nhà nước phải bắt nguồn từ nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, bộ máy nhà nước thực sự gọn nhẹ, trong sạch, vững mạnh, gần dân, sát dân, thể hiện và thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đảm bảo thực hiện trên thực tế nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… đang là vấn đề mang ý nghĩa sâu sắc cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý xã hội với mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, cả trên phương diện lý luận lẫn tổ chức thực tiễn, có tính chất nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, soi đường thắng lợi cho xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay trở thành yêu cầu mang tính tất yếu của thời đại...

Phóng viên TTXVN tại các địa phương