01:17 26/01/2021

Xây dựng tổ chức Công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Chú thích ảnh
 Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; tuyên truyền, vận động giai cấp công nhân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Nhân Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về quá trình xây dựng và phát triển giai cấp cấp nhân trong thời kỳ mới, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người lao động cả nước gửi đến Đại hội. 

Xin đồng chí cho biết vị trí quan trọng của giai cấp công nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước?

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Tư tưởng, quan điểm của Đảng được thể hiện xuyên suốt trong Văn kiện các kỳ Đại hội, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6, khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó, xác định rõ địa vị của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời nhấn mạnh: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội.

Qua 35 năm đổi mới, trong đó hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa X, giai cấp công nhân Việt Nam đã tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng và khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội; đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến đã tăng lên đáng kể, hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến. 

Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của giai cấp công nhân nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mặt bằng chung về trình độ văn hóa và tay nghề của công nhân nước ta dù được cải thiện, song vẫn còn thấp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp chưa cao, năng suất lao động còn thấp… ảnh hưởng chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. 

Vai trò của tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động thời gian qua là gì thưa đồng chí? 

Những năm qua, các cấp công đoàn đã chú trọng thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, là phương thức hiệu quả của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chức năng đại diện cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở. Các công đoàn cơ sở đã thương lượng, ký kết mới được 2.707 thỏa ước (đạt 119%), chất lượng từng bước được nâng cao với nhiều điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật. Thông qua thương lượng, có 4.184 doanh nghiệp điều chỉnh mức hỗ trợ ăn ca lên cao hơn hoặc bằng 15 nghìn đồng (đạt 190% chỉ tiêu giao). 

Các cấp Công đoàn đã tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động có sức lan tỏa ở cấp cơ sở thông qua các chương trình như Tết Sum vầy, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, Tháng Công nhân… giúp đông đảo đối tượng đoàn viên, người lao động được thụ hưởng. Từ Chương trình "Tết Sum vầy" được tổ chức hàng năm, đến nay đã có gần 8 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền trên 4.097 tỷ đồng; trao 1.626 nhà “Mái ấm Công đoàn” tặng đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 154 tỷ đồng. 

Năm 2020, từ quyết định của Tổng Liên đoàn về chi hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các cấp công đoàn đã chi tổng số tiền gần 657 tỷ đồng đễ hỗ trợ, chăm lo cho hơn 658.000 người lao động. Các cấp Công đoàn đã vận động, phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, như: lắp đặt cây ATM gạo; hỗ trợ công nhân, lao động được mua các nhu yếu phẩm với giá ưu đãi; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho công nhân, lao động...

Ngay trong những ngày đầu năm 2021, các cấp Công đoàn đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động “Tết Sum vầy”, “Tấm vé nghĩa tình”… nhằm chăm lo tốt nhất cho công nhân lao động. Với sáng kiến và nguồn lực của tổ chức Công đoàn, đến nay đã có gần 30 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành Trung ương thăm, tặng quà cho hàng nghìn công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền tổ quốc, (trung bình mỗi suất quà trị giá một triệu đồng). 

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã có quyết định chỉ đạo các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn các Tổng công ty trực thuộc sử dụng nguồn tài chính tích lũy để chi hỗ trợ chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai năm 2020; tặng 500 vé máy bay cho công nhân lao động phía Nam về quê sum họp với gia đình...

Xin đồng chí cho biết những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của giai cấp công nhân hướng về Đại hội XIII?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đại hội XIII có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. 

Trong mỗi kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng nói chung và đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đội ngũ công nhân viên chức lao động luôn đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn về kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị, từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của công nhân, viên chức, lao động. Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị bài bản, công phu, nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, được lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nội dung văn kiện mang tính toàn diện, sâu sắc, có nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, có nhiều định hướng hết sức quan trọng trong việc lãnh đạo tổ chức Công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động trước yêu cầu mới của đất nước. 

Từ nhiều tháng qua, công nhân, viên chức, lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hăng hái ra sức thi đua lao động sáng tạo, lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội XIII của Đảng; đồng thời tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho các văn kiện trình Đại hội. Đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, tổ chức Công đoàn luôn mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách nhằm chăm lo, phát triển giai cấp công nhân lớn mạnh về số lượng, nâng cao về chất lượng. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng  của công nhân, viên chức, lao động. 

Tổ chức Công đoàn và công nhân lao động mong muốn Đảng tiếp tục quan tâm phát triển đảng viên mới - xây dựng hạt nhân chính trị trong công nhân lao động nhất là công nhân lao động trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nhằm phát huy tốt vai trò lãnh đạo, đoàn kết người lao động, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tham gia định hướng doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. 

Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện để xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta; là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công nhân, viên chức, lao động cả nước và tổ chức Công đoàn tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng và là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đỗ Bình (TTXVN)