06:06 21/06/2014

Xây dựng thương hiệu du lịch biển - Bài cuối: Tạo sức mạnh đồng bộ

Để đảm bảo xây dựng thương hiệu du lịch biển bền vững, cần tổng hợp rất nhiều yếu tố như phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn biển, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời có những quy hoạch biển phù hợp với điều kiện từng vùng miền…

Để đảm bảo xây dựng thương hiệu du lịch biển bền vững, cần tổng hợp rất nhiều yếu tố như phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn biển, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời có những quy hoạch biển phù hợp với điều kiện từng vùng miền…


Phát triển có trọng tâm


Để nâng cao tầm vóc và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ rõ quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế…

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn tặng hoa cho những vị khách quốc tế tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: Văn Đức-TTXVN


Về vấn đề này, TS Đỗ Cẩm Thơ, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: "Nhằm xây dựng thương hiệu du lịch biển, chúng ta cần khai thác và phát triển có trọng tâm. Theo đó, du lịch biển Việt Nam có thể phát triển theo 4 nhánh thương hiệu sản phẩm du lịch biển như: Du lịch biển gắn với thắng cảnh biển, bởi Việt Nam có nhiều thắng cảnh biển nổi tiếng như Hạ Long, Nha Trang…; du lịch biển gắn với phát triển các bãi biển phục vụ nghỉ dưỡng ven biển (dải ven biển miền Trung phù hợp phục vụ nghỉ dưỡng biển kết hợp du lịch tham quan di sản văn hóa); du lịch biển gắn với thể thao biển, với các hoạt động thể thao quốc tế (lặn biển ở Nha Trang, lướt ván dù, ván buồm tại Mũi Né) và du lịch đảo - nghỉ dưỡng và khám phá đảo còn hoang sơ (Phú Quốc, Côn Đảo…)".


Đầu tư cơ sở hạ tầng


Một trong những yếu tố khiến cho sản phẩm du lịch biển của Việt Nam, mặc dù không hề thua kém gì các nước trong khu vực, nhưng chưa có sức hút bằng, bởi chúng ta yếu về cơ sở hạ tầng. “Các điểm đến du lịch biển ở Thái Lan có 107 sân bay quốc tế và nội địa, 9 cảng biển quốc tế cho du lịch tàu biển, cùng hàng nghìn km đường sắt, đường cao tốc, xa lộ hoặc đường sông…

 

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN

Còn ở Việt Nam, tính riêng cho du lịch biển, thì hiện nay chưa có cảng biển du lịch nào. Các tàu biển du lịch đang phải cập cảng chung với cảng hàng hóa, nên chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện kỹ thuật tại các cảng này chưa đảm bảo chất lượng cho khách du lịch. Do đó, việc đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng du lịch là điều rất cần thiết để phát triển du lịch biển”, TS Đỗ Cẩm Thơ cho biết.

“Để tạo ra sự khác biệt, chúng ta phải nghiên cứu về tài nguyên của chúng ta và ở đây tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng là tài nguyên tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và đặc thù của mỗi địa phương”.

PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia)


Bên cạnh đó, theo KTS Nguyễn Thế Khải, Công ty CP Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam, hiện nay, việc quy hoạch và kiến trúc xây dựng ở các khu du lịch còn đơn điệu buồn tẻ. Quy hoạch các thành phố du lịch, các khu du lịch ở nước ta hầu như na ná giống nhau. "Nhiều nơi có các khu lưu trú bị ngăn cách với biển bởi đường quốc lộ, đại lộ lớn của thành phố. Du khách mặc quần áo tắm phải đi ngang qua đường lớn thật bất tiện và còn gây nguy cơ tai nạn giao thông. Các thành phố biển Nha Trang, Vũng Tàu, Sầm Sơn, Cửa Lò, Bãi Cháy... đều nằm trong tình trạng này. Cần có quy hoạch vùng biển, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn phù hợp với từng địa hình, địa phương", KTS Nguyễn Thế Khải cho biết.


Từ kinh nghiệm phát triển du lịch biển tại Đà Nẵng - một trong những địa phương thành công trong phát triển loại hình du lịch này, bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Mỗi địa phương cần lập và triển khai đề án quy hoạch các dịch vụ du lịch ven biển gồm nhiều hạng mục như bãi công cộng, khu vực chơi thể thao, các quầy giải khát niêm yết giá.

Đồng thời, tùy vào đặc điểm địa phương mà có thể đầu tư các loại hình dịch vụ thể thao giải trí như ca nô kéo dù bay, lướt ván buồm… Cũng cần có sự liên kết hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành có biển, hợp tác song phương và đa phương để tăng cường sức hấp dẫn và cạnh tranh trong khu vực và quốc tế để đưa thương hiệu biển Việt Nam đến cộng đồng quốc tế”.


“Việt Nam đang phát triển thương hiệu biển theo hướng hội nhập, tức là chúng ta tham gia cuộc chơi với luật chơi chung, tuân theo quy chuẩn chung nhưng chúng ta phải không ngừng tìm tòi, khám phá hướng đi mới, để tạo nên dấu ấn và sức hút cho thương hiệu biển Việt Nam”, PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia) nhận định.


Thu Trang