07:22 31/07/2016

Xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc Hà Nội

Đến Hà Nội, du khách thường nghĩ ngay tới các di sản trong nội đô hoặc một số làng nghề, khu sinh thái ngoại thành. Nhưng, hàng chục năm qua, sản phẩm du lịch Hà Nội vẫn vậy, ít có sự thay đổi mà chủ yếu khai thác những tiềm năng sẵn có.

Trong giai đoạn hội nhập, du lịch Hà Nội phải tăng sức cạnh tranh, trong đó cần xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, mang bản sắc Hà Nội là việc đang được ngành du lịch Thủ đô tính đến. 

Với lợi thế của Thủ đô nghìn năm tuổi với các giá trị văn hóa lịch sử phong phú, du lịch Thủ đô được thừa hưởng một hệ thống điểm đến nổi tiếng quốc gia và quốc tế. Đó là, khu di tích Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, phố cổ Hà Nội, bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Dân tộc học… Sản phẩm du lịch văn hóa từ đó được coi là thế mạnh của du lịch Hà Nội, ít nhiều tạo được ấn tượng đối với du khách. Hầu hết du khách đến Thủ đô không thể bỏ qua các điểm di sản của Hà Nội cũng như các nơi chứa đựng giá trị văn hóa của Thủ đô.

Hà Nội cũng là thành phố hàng đầu Việt Nam phát triển sản phẩm du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo), bởi nơi này có nhiều địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Hiện tại, các khách sạn cao cấp đang phối hợp cùng các hãng lữ hành quốc tế, hãng hàng không quảng bá loại hình hội nghị, hội thảo kết hợp tour du lịch ngắn ngày. Du lịch Hà Nội cũng được biết đến với các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông nghiệp và trang trại. Đối tượng khách tham gia các sản phẩm du lịch này chủ yếu là người dân Hà Nội hoặc du khách một số tỉnh lân cận.

Tuy vậy, theo đánh giá của du khách, các doanh nghiệp lữ hành cũng như cả cơ quan quản lý du lịch, sản phẩm du lịch còn thiếu đặc sắc, trùng lặp, thiếu quy chuẩn, chất lượng chưa cao, nhất là thiếu những sản phẩm chủ lực. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái sẵn có, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô, đặc biệt là du lịch văn hóa, làng nghề, làng cổ.

Để tạo bước đột phá, phát triển toàn diện du lịch Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội ưu tiên xây dựng những sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ, có chất lượng. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2020, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các loại hình sản phẩm du lịch có tính độc đáo, hấp dẫn, chuyên nghiệp cao, mang đậm dấu ấn của du lịch Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long - một trong những địa điểm du lịch đặc biệt của Hà Nội. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo đó, thành phố cũng tạo dựng và đưa vào khai thác các trục du lịch trọng tâm: Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận; khu vực Đông Anh gắn với khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục, khu du lịch nông nghiệp công nghệ cao; khu vực di tích đền Hai Bà Trưng, khu nông nghiệp trồng hoa Mê Linh; khu du lịch núi Sóc, hồ Đồng Quan; khu vực chùa Hương, thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lai; khu vực Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng và một số làng nghề tiêu biểu, điểm tham quan du lịch khác.

Hà Nội cũng xây dựng 3 sản phẩm du lịch dọc vành đai sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy; xây dựng 3 tuyến du lịch: Tuyến du lịch mang tính quốc tế kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới, tuyến du lịch quốc gia và tuyến du lịch nội vùng. Hàng năm, thành phố tổ chức 10 - 12 hoạt động sự kiện gắn với du lịch như hội nghị, hội thảo, liên hoan, văn hóa, thời trang… tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng tour du lịch đặc sắc “Cảm xúc Hà Nội”, nhận được sự quan tâm của đông đảo các hãng lữ hành khắp cả nước, tạo nên sự khác biệt với rất nhiều tour du lịch khác khi khơi dậy được các giá trị văn hóa của Hà Nội, khai thác các giá trị cảnh quan, danh thắng, di tích đặc trưng cùng các giá trị văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực. Có thể nói so với các tour du lịch đang được các doanh nghiệp lữ hành xây dựng. Tour du lịch “Cảm xúc Hà Nội” quy tụ được nhiều nét đẹp và khá toàn diện của văn hóa Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đang xúc tiến triển khai nhiều sản phẩm du lịch khác mang đậm dấu ấn Hà Nội, tạo sức hút cho ngành du lịch Thủ đô.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)