07:09 16/07/2011

Xây dựng nông thôn mới ở Tân Lập: Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả

Xã Tân Lập (huyện Đồng Phú- Bình Phước) có 9 ấp với diện tích trên 7.000 ha. Trước năm 2008, kinh tế của những người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và cơ cở vật chất còn thiếu thốn.

Xã Tân Lập (huyện Đồng Phú- Bình Phước) có 9 ấp với diện tích trên 7.000 ha. Trước năm 2008, kinh tế của những người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và cơ cở vật chất còn thiếu thốn.

Nhưng đến năm 2009, xã Tân Lập được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, từ khi đề án được triển khai, đời sống của người dân nơi đây dần dần được “thay da, đổi thịt”.

Đạt 13/19 tiêu chí quốc gia

Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Tân Lập đã huy động mọi nguồn lực và khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và đảm bảo sự bền vững môi trường. Do đó, sau 2 năm triển khai, xã Tân Lập đã đạt được 13/19 tiêu chí quốc gia, trong đó, các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, bưu điện, môi trường đều đạt tỉ lệ trên 90%.

Ông Bùi Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Để làm thay đổi bộ mặt xã theo hướng hiện đại, chính quyền Tân Lập đã tập trung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội từ việc xây dựng chỉnh trang khu dân, chợ nông thôn; điện – đường- trạm y tế – trường học… đến khu trung tâm hành chính của xã. Theo đó, đến nay xã đã xây dựng được 29.153m đường giao thông với tổng số vốn đầu tư hơn 31 tỷ đồng; đã xây dựng được 8 trạm biến áp, với tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng; xây dựng 4 trường học và trạm y tế, tổng vốn huy động ở Tân Lập hiện đã lên tới 31,176 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp gần 2,2 tỷ đồng thông qua ủng hộ đất, hiện vật kiến trúc.

Ông Sinh đang chăm sóc những cây ca cao trồng xen dưới tán cây điều.


Theo báo cáo của Ban quản lý đề án nông thôn mới, cho đến nay xã Tân Lập đã xây dựng được 40 mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, triển khai 6 mô hình chăn nuôi theo sự hỗ trợ của Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh; một mô hình trồng sắn cao sản, mô hình trồng nấm và ca cao. Trong đó, số mô hình được nhân rộng là mô hình cây ca cao xen dưới tán điều, mô hình trồng nấm và nuôi gà thả vườn. Do đó, đời sống của người dân đã được nâng cao, cụ thể từ mức 9,5 triệu đồng/người/năm vào tháng 6/2009 đã lên 16,5 triệu đồng/người/năm vào tháng 6/2011, tăng hơn 57% so với trước khi thực hiện đề án. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn 2,3 %, đạt yêu cầu tiêu chí đề ra.

Tuy nhiên, ông Bùi Minh Hùng nhìn nhận: Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của xã hiện nay chiếm trên 50% nên vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động còn chậm. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân còn hạn chế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần phải được tuyên truyền thường xuyên.

Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Với mục tiêu tăng tỷ lệ hộ khá giàu, tiến tới không còn hộ nghèo, xã Tân Lập không chỉ dừng ở thế mạnh phát triển kinh tế từ 3.316 ha cao su và 1.240 ha điều, mà còn tập trung phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cây ca cao xen dưới tán điều và mô hình trồng nấm.

Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân và các kênh vốn của các ngân hàng thương mại khác, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khá hiệu quả.

Được sự tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến nông, ông Nguyễn Văn Sinh, ngụ tại ấp 8, xã Tân Lập là một trong những hộ nông dân đầu tiên thực hiện mô hình trồng cây ca cao xen dưới tán điều. Ông Sinh cho biết: “Hiện tôi đang trồng 600 cây ca cao được 6 tháng tuổi trên 1 ha đất trồng điều. Đến nay, các cây ca cao phát triển rất tốt, không sâu bệnh nên chi phí đầu tư rất thấp. Theo tính toán của tôi, mỗi vụ thu hoạch ca cao sẽ đạt từ 2-3 tấn hạt/ha và trồng ca cao sẽ có lợi nhuận cao hơn trồng cao su”.

Bên cạnh đó, người nông dân còn xây dựng mô hình trồng nấm rất hiệu quả như gia đình ông Nguyễn Văn Khiền, tổ 9, ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. Hộ nông dân này trước đây chỉ trồng cây cao su trên diện tích khoảng 0,8 ha nhưng nay theo mô hình nông thôn mới, gia đình ông đã phát triển thêm mô hình trồng nấm.

Ông Khiền chia sẻ: “Kể từ khi phát triển kinh tế theo mô hình nông thôn mới, cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn rất nhiều. Trong khuôn viên khu đất 0,8 ha trồng cao su, hơn 4 ngàn giỏ nấm đang tiếp tục phát triển. Trong đó, nấm bào ngư là loại nấm được gia đình tôi tập trung sản xuất, kế đó là nấm linh chi. Ngoài thu nhập từ cây cao su, mỗi tháng gia đình tôi thu được 5 triệu đồng từ việc trồng nấm”.

Theo ông Khiền, tổng số vốn đầu tư cho mô hình trồng nấm là 110 triệu đồng với sự hỗ trợ của nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Phú hỗ trợ.

Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: “Mô hình trồng cây ca cao xen dưới tán điều, mô hình trồng nấm hiện đang được nhân rộng. Đặc biệt là mô hình trồng cây ca cao là một mô hình điểm và sẽ được nhân rộng trên 100 ha với 80 hộ dân vào tháng 8 tới”.

Bài và ảnh: Đ.Phương- H.Tuyết