09:08 22/09/2011

Xây dựng nông thôn mới ở Song Phượng (Hà Nội): Khi người dân đồng thuận

Xác định việc xây dựng nông thôn mới là việc làm lâu dài, thường xuyên và vì cuộc sống của chính người dân trên địa bàn, Đảng ủy, UBND xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã tìm được bước đi phù hợp, đó là bắt đầu từ sự đồng thuận của nhân dân.

Xác định việc xây dựng nông thôn mới là việc làm lâu dài, thường xuyên và vì cuộc sống của chính người dân trên địa bàn, Đảng ủy, UBND xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã tìm được bước đi phù hợp, đó là bắt đầu từ sự đồng thuận của nhân dân.

Một góc làng quê Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: HNM


Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: Mỗi cán bộ, đảng viên của xã đều thấm nhuần tư tưởng "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tin và vào cuộc, cùng nỗ lực xây dựng làng quê được coi là công việc tiên quyết, quan trọng.

Là một xã ven đô, “tấc đất tấc vàng” nên những con đường trục chính giữa các thôn ở Song Phượng vốn rất hẹp, chỉ từ 2 - 3m. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, để bộ mặt làng quê được đẹp, khang trang hơn, người dân ở đây đã đồng tâm làm “cuộc cách mạng” cho những con đường. Nhờ có sự vận động và gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên nên hơn 200 hộ dân trong xã đã đồng ý, tự nguyện bàn giao mặt bằng, hy sinh quyền lợi riêng để mở rộng đường làng, ngõ xóm.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết của Đảng ủy xã về mở rộng đường, xã đã nhanh chóng quán triệt nội dung đến các bí thư chi bộ, trưởng thôn, lãnh đạo các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Đảng ủy, chính quyền và Hội đồng nhân dân xã đã lựa chọn phân công những người có tâm huyết, có uy tín cao đến từng gia đình, giải thích, động viên người dân đồng ý với chủ trương mở đường để thuận lợi hơn cho việc đi lại, phát triển các ngành nghề phụ ở làng quê và cũng là để làm đẹp thêm cho mỗi ngôi nhà của bà con.

Có mặt bằng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục cùng nhân dân tham gia giám sát việc xây dựng các công trình, dự án mở đường một cách chặt chẽ, công khai với phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra.

Nhờ có sự đồng thuận, sau hơn 1 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt làng quê Song Phượng đã có những chuyển biến đáng kể. Xã đã xây mới được gần 6 km đường liên thôn liên xã với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng và tiếp tục triển khai xây dựng 7 tuyến đường chính tại các thôn từ nguồn kinh phí của thành phố, huyện, xã và đóng góp của doanh nghiệp, người dân. 29/51 tuyến đường xóm, ngõ ở các thôn cũng đã được hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp ngày công xây dựng và 50% giá trị vật liệu. Từ những con đường hẹp, nay những đường trục chính của xã đều được mở rộng lên 6m, có nhiều đoạn qua các thôn Thu Quế, Tháp Thượng còn rộng tới 9m. Có sự đồng thuận, "vào cuộc” của người dân, không chỉ có các dự án giao thông, mà nhiều hạng mục, tiêu chí quan trọng khác như hệ thống thủy lợi, đường điện, trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, văn hóa - xã hội và môi trường... đều được Song Phượng triển khai xây dựng, hoàn thành tốt.

Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, Song Phượng đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xã đã lập xong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xã cũng hoàn thành việc thi công và đưa vào sử dụng 40/73 công trình, dự án thuộc hạ tầng kinh tế - xã hội đã được thành phố phê duyệt. Mới đây, khi về làm việc với xã Song Phượng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã khẳng định: Song Phượng thực sự là một điển hình của thành phố trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Xã đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong nhân dân, có bước đi, cách làm khoa học.

Phấn khởi với những thành quả đã đạt được, Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: Hiện, Song Phượng còn 4 tiêu chí nông thôn mới chưa đạt là: Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Đây thực sự là những tiêu chí khó song lại hết sức căn bản của một xã nông thôn mới. Xã đang nỗ lực tháo gỡ, hoàn thành các tiêu chí còn lại để sớm trở thành một trong những xã nông thôn mới tiêu biểu của Thủ đô.

Thanh Trà