07:10 01/07/2018

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Bài 3-Tạo những bước đi vững chắc

Để tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Nam đang tập trung nâng cao nền tảng kinh tế khu vực nông thôn thôn qua việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực; đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhằm tạo những bước đi vững chắc.

Từ năm 2017, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng/xã nhằm giúp địa phương đã về đích nông thôn mới duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng vừa phê duyệt đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí 579 tỷ đồng.
Chú thích ảnh
Sản phẩm nước mắm Cửa Khe ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam.
Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, thông qua việc phát huy tính sáng tạo, sự liên kết của người dân để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng vùng miền. Chương trình hướng tới xây dựng sản phẩm ở 3 cấp gồm những sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm cấp huyện, xã đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đến năm 2020, Quảng Nam đặt mục tiêu chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ hoàn thiện, nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của tỉnh; phát triển từ 3-4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch; có ít nhất 3 sản phẩm nông nghiệp 5 sao cấp tỉnh có thể xuất khẩu và 1 sản phẩm nông nghiệp đạt 5 sao cấp quốc gia.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, gắn phát triển nông thôn với đô thị, đồng thời tạo ra môi trường khởi nghiệp ở các vùng quê… qua đó hỗ trợ phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 145 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm và nội thất, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Tổng doanh thu hằng năm của các sản phẩm này đạt hơn 350 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng đang kiến nghị Chính phủ thống nhất cho địa phương điều chỉnh mục tiêu đến năm 2020 có trên 55% trong tổng số 204 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thay vì mục tiêu 66,2% số xã như Chính phủ đã giao. Qua đó, tạo điều kiện để Quảng Nam phân bổ nguồn lực hợp lý giúp các xã xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bền vững hơn. Riêng đối với khu vực miền núi, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hiện nay là tập trung cho công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.

Theo ông Đỗ Vạn Lộc, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, trước thực tế tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn rất cao như ở các huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My lên tới 47%, tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh lại lộ trình, chuyển một số xã miền núi sau năm 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, không chạy theo thành tích. Mặc dù vậy, hằng năm tỉnh vẫn sẽ duy trì phân bổ ngân sách cho các địa phương ở miền núi xây dựng những hạng mục công trình liên quan để tạo nền tảng vững chắc.

Đối với những xã đã về đích nông thôn mới nhưng không giữ được các tiêu chí, tỉnh đang thực hiện chế tài mạnh mẽ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết: Đến cuối năm 2018, nếu địa phương nào để “rớt” từ 5 tiêu chí trở lên, tỉnh sẽ xem xét thu hồi danh hiệu công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và xem xét trách nhiệm trong công tác chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Nếu xã bị “rớt” từ 3- 4 tiêu chí, tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã đó sẽ không được xem xét thi đua. Còn xã để “rớt” từ 1-2 tiêu chí thì xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục.

Với tinh thần chủ động vượt qua khó khăn, Quảng Nam đang quyết tâm tạo ra những chuyển biến mới, thực chất và hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
 

Trần Tĩnh-Đỗ Trưởng (TTXVN)