04:10 09/04/2011

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở thành phố mang tên Bác

Để xứng đáng là quận trung tâm của thành phố, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, chính quyền và nhân dân quận 1, TP Hồ Chí Minh đã có những hoạt động cụ thể để xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Để xứng đáng là quận trung tâm của thành phố, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, chính quyền và nhân dân quận 1, TP Hồ Chí Minh đã có những hoạt động cụ thể để xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Qua đó, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn, ý thức của người dân về mỹ quan đô thị cũng thay đổi theo hướng tích cực.

Đô thị khoác áo mới

Những tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thành phố như Lê Lợi, Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tuyến đường khác của quận ngày càng khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn đường văn minh đô thị. Các công viên Lý Tự Trọng, Mê Linh... đã “xanh” hơn với màu xanh của cây cỏ, công viên “sạch” hơn với những thùng rác công cộng rải đều. Và thói quen sáng sớm ra công viên tản bộ tập thể dục của người dân nơi đây hình thành nhờ một số công viên có trang bị các dụng cụ thể dục thể thao.

Anh Trần Thanh Vương, Phó phòng Văn hóa và Thông tin, UBND quận 1 cho biết: Nhận thấy sự cần thiết phải giữ gìn vệ sinh đường phố nên từ năm 2006, UBND quận đã tiến hành vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Năm 2008, khi thành phố có chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quận đã đẩy mạnh các hoạt động “xây dựng mỹ quan đô thị làm xanh sạch đẹp đường phố; giữ gìn vệ sinh môi trường”. Trong quá trình thực hiện “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, chính quyền quận cũng triển khai thực hiện các tiêu chuẩn chợ văn minh thương nghiệp. Đến nay, 3 trong số 5 chợ lớn đã đạt chuẩn chợ văn minh thương nghiệp. Riêng chợ Bến Thành được ngành du lịch thành phố chọn là “điểm mua sắm và tham quan thú vị".

Một góc thành phố mang tên Bác. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Bà Dương Thị Mai Lan, Phó Ban quản lý chợ Bến Thành chia sẻ: Có được kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ công nhân viên chức cùng các tiểu thương. Chợ có trên 1.470 hộ và 5 doanh nghiệp quốc doanh buôn bán. Các tiểu thương tự chủ động nguồn hàng nên thời gian đầu vận động “mua ngay bán thật”, hay “niêm yết giá” gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền, nhắc nhở, phạt ngừng kinh doanh một tuần hay nhiều hơn tùy theo mức độ, giờ đây hầu hết các tiểu thương đều chấp hành tốt. Nhờ đó, hơn 95% tiểu thương đã đạt danh hiệu người “kinh doanh mới”. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ còn chủ động ký hợp đồng với Công ty Dịch vụ công cộng để bảo đảm chợ lúc nào cũng sạch. Hằng ngày, cách 2 tiếng, công nhân của công ty quét dọn chợ, tối đến, khi chợ ngừng hoạt động, công nhân tổ chức lau chùi. Nhờ đó, từ năm 2004 tới nay, chợ Bến Thành luôn giữ vững danh hiệu “chợ không rác”.

Nhận thức của người dân thay đổi

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 1, để chủ trương của thành phố, của quận được thực hiện có hiệu quả, bên cạnh việc kêu gọi cán bộ viên chức, các đoàn thể, chính quyền quận còn quan tâm tới việc vận động toàn dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh ngay tại mỗi gia đình, mỗi khu phố. Đặc biệt, để thu hút sự quan tâm của người dân, năm 2008, UBND quận đã thực hiện đĩa tiểu phẩm hài có nội dung tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị với sự tham gia của các nghệ sĩ hài nổi tiếng.

Tùy theo những đặc điểm riêng, mỗi phường đã có những mô hình hoạt động có hiệu quả. Điển hình là mô hình “15 phút mỗi tuần vì thành phố văn minh sạch đẹp” của phường Bến Thành. Với mục đích giữ mỹ quan trên những con đường dẫn tới chợ Bến Thành, cứ 3 ngày người dân của phường lại quét dọn vỉa hè. Từ mô hình này, thành phố đã phát động thành phong trào chung cho các quận.

Với những hộ dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng như ở phường Tân Định, vốn được coi là "điểm nóng" về vệ sinh đường phố, cán bộ phường vận động từng khu phố tham gia đăng ký “mô hình khu phố không rác”. Đặc biệt nhất là mô hình “khu phố tự quản” của khu phố 3 phường Nguyễn Cư Trinh, để có thể quản lý hơn 800 hộ với 3.000 nhân khẩu trong vấn đề an ninh trật tự, bảo vệ môi trường công cộng, khu phố lập tổ tự quản lấy lực lượng tổ dân phố làm nòng cốt. Mô hình này đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, mọi việc được đưa ra bàn bạc một cách dân chủ, cùng tham gia đóng góp ý kiến. Ban điều hành khu phố 3 cho biết, ngoài tổ bảo vệ tuần tra nhắc nhở giữ gìn thông thoáng đường phố và vệ sinh nơi buôn bán, ban điều hành khu phố đã tổ chức nhiều buổi chuyên đề về thực hiện “nếp sống văn minh đô thị”. Nhờ đó, tất cả các hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn đều lập cam kết với khu phố không lấn chiếm lòng lề đường, không đổ nước thải ra đường, hố ga...

Từ những việc làm thiết thực, chất lượng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh của quận 1 mỗi ngày đi vào chiều sâu, nếp sống văn hóa được thể hiện qua từng hộ gia đình, từng cá nhân con người.

Lan Phương