06:22 21/06/2014

Xây dựng nền kinh tế tự chủ, hội nhập

Trong những ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, cử tri cả nước luôn dõi theo từng phiên họp, đặc biệt là trong hơn hai ngày Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các tư lệnh ngành.

Trong những ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, cử tri cả nước luôn dõi theo từng phiên họp, đặc biệt là trong hơn hai ngày Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các tư lệnh ngành. Nhiều câu hỏi thẳng thắn được gửi đến các thành viên Chính phủ xoay quanh tái cơ cấu nền kinh tế, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cử tri hài lòng

Kết luận sau hai ngày rưỡi Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các thành viên Chính phủ đã giải đáp được những vấn đề “nóng” mà cử tri mong mỏi, Quốc hội đặt ra. “Có thể nói 5 đồng chí thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn rõ ràng, cụ thể, thẳng thắn và nhận trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân trong lĩnh vực của mình, ngành mình. Tôi theo dõi báo chí và phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thì cử tri cả nước cũng ủng hộ, đồng tình, hài lòng với phiên chất vấn này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm về những quyết sách của Quốc hội trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa các tàu hộ tống vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Quốc hội đã thảo luận một ngày về báo cáo của Chính phủ. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/6, Quốc hội tiếp tục nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo bổ sung những vấn đề trọng tâm, quốc kế dân sinh mà cử tri cả nước quan tâm. Trong tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tuy còn những khó khăn, nhưng Quốc hội đã đặt vấn đề tìm cách giải quyết, xử lý để đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Quốc hội nhận thấy vấn đề nợ công đang mất cân đối, bội chi và vay thêm để trả nợ công làm hạn chế phát triển. Đây là vấn đề cần phải rà soát, điều chỉnh và nghiêm túc xem xét thận trọng để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia, bảo vệ kinh tế vi mô ổn định để phát triển vững chắc. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn và bàn về giáo dục và đào tạo, đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, trực tiếp là của các thầy giáo, cô giáo. Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đã đạt được, Quốc hội cũng đã thẳng thắn yêu cầu ngành giáo dục, Chính phủ phải khẩn trương tìm mọi biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, xây dựng cho được đề án để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH…

Không lệ thuộc

Ngay sau phần trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, như Chính phủ đã báo cáo và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; thêm vào đó là các tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về việc Chính phủ đã có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh, quốc phòng, không lệ thuộc vào nước ngoài, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh báo cáo Quốc hội về vấn đề này”.

Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chủ trương mà Quốc hội khóa XIII đầu nhiệm kỳ đã đưa ra, đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng để từng bước nâng cấp nền kinh tế hiệu quả, chất lượng. Việt Nam đang có thế mạnh về thu hút đầu tư, môi trường đầu tư… vì vậy thời gian tới tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, có chọn lọc hơn, đặc biệt là những dự án mang hàm lượng khoa học, công nghệ đảm bảo môi trường. Cần hỗ trợ để các doanh nghiệp và người dân đủ sức hấp thụ đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có vấn đề đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực nội tại. Các đại biểu quan tâm tới vấn đề thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu, việc phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước, khai thác thị trường nội địa...

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết: Từ năm 2010, Chính phủ đã đa dạng hóa thị trường, giảm bớt, không phụ thuộc vào thị trường một nước nào. Việt Nam đã có 6 hiệp định thương mại lớn, kể cả với WTO và một loạt các nước ASEAN cũng như các nước lớn. Sắp tới Việt Nam sẽ có một số hiệp định thương mại tự do lớn như PPP, AFTA Việt Nam - EU, AFTA Việt Nam - Nga, Belarus, Kazakhstan, Việt Nam - Hàn Quốc. Như vậy đến năm 2015, chúng ta sẽ có 16 hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN với các nước và vùng lãnh thổ, gồm tất cả các cường quốc có kinh tế lớn, mở ra không gian rộng lớn cho thương mại phát triển đa dạng. Tất nhiên, trong vấn đề thị trường, chúng ta vẫn có chủ trương giữ quan hệ làm ăn thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc thông qua các hiệp định đa phương, song phương giữa ASIAN - Trung Quốc và Việt Nam với những quan hệ thương mại trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu làm sao nắm bắt cơ hội để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, bao gồm cả việc đầu tư vào du lịch, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chúng ta đấu tranh giành chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, từ chính trị, ngoại giao, hiện trường, cho đến dư luận xã hội và có thể xem xét tiến hành các biện pháp có liên quan. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để giữ mối quan hệ hòa bình, cùng nhau phát triển, tôn trọng nhau để phát triển trong thế giới hội nhập...

Cũng tại kỳ họp này Quốc hội đã nhận được 2.276 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp lại, Quốc hội nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. “Tôi đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các ngành, các cấp phối hợp để chúng ta tiếp tục giải quyết những kiến nghị mà cử tri đặt ra ở phiên họp trước chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo, khẩn trương giải quyết những kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp này để kỳ họp sau chúng ta sẽ báo cáo với Quốc hội, báo cáo với cử tri cả nước tinh thần làm việc khẩn trương và ý thức phục vụ nhân dân của các cơ quan của nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

V.T