08:07 23/08/2014

Xây dựng lòng tin qua diễn đàn Biển ASEAN

“Diễn đàn Biển ASEAN và diễn đàn Biển ASEAN mở rộng sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 26 - 28/8/2014. Mục tiêu của diễn đàn nhằm thực hiện hợp tác, tạo khuôn khổ chính trị tin cậy lẫn nhau và khuyến nghị cho các kênh chính thức của Chính phủ”.

“Diễn đàn Biển ASEAN và diễn đàn Biển ASEAN mở rộng sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 26 - 28/8/2014. Mục tiêu của diễn đàn nhằm thực hiện hợp tác, tạo khuôn khổ chính trị tin cậy lẫn nhau và khuyến nghị cho các kênh chính thức của Chính phủ”. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đưa ra tại cuộc họp báo ngày 22/8 tại Hà Nội.

 

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, Diễn đàn Biển ASEAN được khởi động từ năm 2010. Đến nay, khi Việt Nam đăng cai là cuộc họp lần thứ năm. Còn với diễn đàn Biển ASEAN mở rộng thì đây là lần thứ ba được tổ chức với thành phần gồm các nước trong ASEAN và 8 nước đối thoại của ASEAN ở khu vực Đông Á.

 

Vấn đề an ninh, an toàn hàng hải sẽ được thảo luận tại diễn đàn Biển ASEAN và diễn đàn Biển ASEAN mở rộng. Ảnh: Quang Vũ - TTXVN


Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi về những vấn đề như ngư nghiệp, ứng phó thiên tai, nghiên cứu sinh học biển… từ đó các nước có thể phối hợp tốt hơn trong các chuyên ngành liên quan đến biển.


“Môi trường biển nếu không có tranh chấp về chủ quyền thì hợp tác chuyên ngành sẽ rất thuận lợi. Những tranh chấp về chủ quyền đã khiến sự việc phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi phải tạo được môi trường chính trị, xây dựng lòng tin lẫn nhau để có thể hợp tác tốt nhất”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, những nội dung khác cũng sẽ được chia sẻ tại diễn đàn như kinh nghiệm cứu trợ nhân đạo, nghiên cứu môi trường biển và bảo đảm môi trường biển… Chẳng hạn kinh nghiệm liên quan đến phòng chống bão Hải Yến, rủi ro hàng không như tai nạn máy bay MH370… Từ những vấn đề này, các bên sẽ cùng thảo luận để đưa ra những biện pháp nhằm tạo khuôn khổ hợp tác trong từng trường hợp cụ thể.


Đặc biệt, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải sẽ được đề cập tại hai diễn đàn lần này. Trong đó, vấn đề đặt ra là làm sao ngăn chặn được sự cố, trường hợp sự cố xảy ra thì cần có những cơ chế, khuôn khổ hợp tác khu vực như thế nào để kiềm chế, không để nảy sinh thành xung đột, không làm phức tạp thêm tình hình… “Việt Nam đã đề xuất những chuyên đề cụ thể cho từng phiên họp trong cả hai diễn đàn lần này. Hy vọng kết quả hội nghị sẽ có những khuyến nghị cần thiết trong hợp tác biển cũng như an ninh, an toàn hàng hải giữa các nước trong khu vực”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết.


Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã trao đổi với phóng viên về đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) vừa diễn ra tại Myanmar. Theo ông Vinh, Việt Nam đã phản ánh về diễn biến phức tạp gần đây và những nguy cơ không chỉ với nước trực tiếp liên quan mà nguy cơ liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải ở cả khu vực này. ASEAN và các nước trong và ngoài khu vực đều có những lợi ích nhất định, cần thiết phải ứng phó để bảo đảm môi trường hòa bình.


Trước những thách thức nảy sinh trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam cho rằng vấn đề bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là rất cần thiết, nhưng để có thể bảo đảm trên thực tế đến đâu thì cần phải tính đến. Việt Nam cho rằng để thực hiện điều này, việc đầu tiên là phải kiềm chế và đưa ra đề xuất: Cụ thể hóa những việc cần phải làm và những việc không được làm theo quy định của điều 5 trong Tuyên bố DOC, phải thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình. Bên cạnh đó, cần dàn xếp và có cơ chế để bảo đảm thực thi trên thực tế điều khoản này.


Thu Phương