10:14 08/10/2015

Xây dựng Khánh Hòa sớm đạt tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương

Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra trong 3 ngày từ 22 đến 24/9. Đồng chí Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII về một số mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp trọng tâm đột phá của Đảng bộ Khánh Hòa trong nhiệm kỳ mới.


Để thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp nào đặt ra từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII nhằm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa sớm đạt tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương?

Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Tỉnh ủy ban hành và triển khai Nghị quyết riêng nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Đã chú trọng phát triển đô thị vừa và nhỏ đi đôi với đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị thiết yếu; tập trung đầu tư các dự án quan trọng, then chốt; một số dự án đã đưa vào hoạt động đem lại hiệu quả ban đầu. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Kết luận số 53-KL/TW, trọng tâm là xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị giàu mạnh, đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra một số giải pháp cụ thể là:

- Tập trung công tác quy hoạch xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm quy hoạch và xây dựng thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các thị trấn, các đô thị loại 5, các khu dân cư nông thôn theo hướng bảo đảm có đầy đủ và đồng bộ hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý môi trường, phát triển bền vững.

- Hoàn thành Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Cam Ranh; củng cố hệ thống chính trị để phát triển toàn diện huyện Trường Sa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển huyện Trường Sa trên cơ sở hoàn thiện cơ cấu tổ chức hành chính, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo hướng phát triển cơ sở cung ứng vật tư, kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản xa bờ, đi biển dài ngày; từng bước mở rộng du lịch biển đảo và phát triển khu du lịch, điểm du lịch quốc gia tại Trường Sa.

- Tập trung xây dựng và hoàn thành Đề án tổng thể Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, nhằm tạo sự bứt phá về kinh tế, trở thành đầu tàu của tỉnh Khánh Hòa, của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và cũng là động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về biển, đảo. Tuy nhiên thời gian qua việc phát triển kinh tế biển theo đánh giá là chưa được coi trọng đúng mức, chưa có sự bứt phá để phát triển kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch. Xin đồng chí cho biết phương hướng của tỉnh Khánh Hòa nhằm cải thiện vấn đề nói trên trong giai đoạn 2015 - 2020 như thế nào?

Khánh Hòa nằm ở vị trí địa lý thuận lợi và được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Định hướng phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm được tỉnh xác định đã nói lên điều này. Đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại luôn được duy trì hiệu quả và tiếp tục mở rộng đầu tư lớn, đi vào chiều sâu, đạt trình độ phát triển tiên tiến, như: Công nghiệp đóng mới tàu biển, nhiệt điện, lọc hóa dầu.... Dịch vụ - du lịch tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch sinh thái biển đảo, là một trong những trọng điểm quốc gia, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Toàn tỉnh đã và đang hình thành các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp nặng gắn với thế mạnh của biển. Hệ thống cảng biển phong phú, cùng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ hàng hải phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu về du lịch và vận tải biển. Cảng Nha Trang là điểm đến thường xuyên của các tàu khách du lịch biển quốc tế; Cảng Cam Ranh có vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển; Vịnh Vân Phong có vị trí địa lý thuận lợi để tiến hành dịch vụ nhập khẩu trung chuyển xăng dầu và các loại hàng hóa cho cả nước.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra một số nhiệm vụ nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về biển, qua đó tạo bứt phá cho phát triển tỉnh nhà. Cụ thể là:

Tiếp tục phát triển nhanh 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó, khu vực vịnh Cam Ranh chú trọng đầu tư, hoàn thành khu du lịch Bắc Bán đào Cam Ranh; phối hợp với bộ, ngành Trung ương triển khai xây dựng Dự án dịch vụ hàng hải, sửa chữa, đóng mới tàu biển; xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực Nam Trung Bộ và triển khai xây dựng Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.

Khu vực vịnh Vân Phong: Hoàn tất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong; thu hút đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có các ngành, nghề phù hợp với nhóm ngành ưu tiên phát triển trong Khu kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm giao đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án; hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, điện, nước... theo quy hoạch được phê duyệt.

Phát triển thành phố Nha Trang: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Khu đô thị - hành chính; triển khai hạ tầng Khu trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang; đầu tư để chuyển đổi công năng cảng Nha Trang thành cảng phục vụ du lịch; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch - dịch vụ, hạ tầng thương mại, khu đô thị, khu dân cư; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố Nha Trang trở thành một đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Tiên Minh (thực hiện)