08:18 14/08/2019

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/8, tại Vĩnh Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ đạt 7,9%, cao hơn bình quân cả nước (6,76%); thu ngân sách nhà nước đạt gần 298.058 tỷ đồng, đạt 49,73% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 46.822 triệu USD.

Dự kiến hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong vùng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP ước đạt 8,29%; các chỉ tiêu về kim ngạch xuất, nhập khẩu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh đề ra. Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đến 30/7/2019, giải ngân toàn vùng là 18.649/73.667 tỷ đồng, đạt 25,35%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (36,16%).

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 6 tháng đầu năm 2019, GRDP của vùng đạt khoảng 7,5%, cao hơn bình quân cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 8.844 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách nhà nước cao nhất từ trước tới nay, khoảng 54.803 nghìn tỷ đồng, đạt 64% dự toán Trung ương giao.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khá với 110 dự án mới, số vốn đăng ký là 975 triệu USD. Dự kiến năm 2019 có 11/14 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh đề ra. Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đến 30/7/2019, giải ngân toàn vùng là gần 17.100 tỷ đồng trên tổng số gần 46.100 tỷ đồng, đạt 38,59%, cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội tại các vùng vẫn có những hạn chế, khó khăn. Theo đó, vùng Đông Nam Bộ tuy có số doanh nghiệp đăng ký mới đứng đầu cả nước, nhưng về quy mô vôn đăng ký bình quân còn thấp (14,1 tỷ đồng/doanh nghiệp), chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 9,9% so với năm 2018.

Ngoài ra, tình trạng quá tải giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa. Đây chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng nếu không sớm được cải thiện.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón phát biểu tại Hội nghị.

Trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nhưng phát triển theo hướng quy mô lớn còn ít, chủ yếu nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đà gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng yếu kém, nhất là giao thông đường bộ nội vùng cũng như kết nối với các trung tâm phát triển chưa đồng bộ; các cửa ngõ lưu thông hàng hóa chủ yếu vẫn dựa vào các phương tiện vận tải quy mô nhỏ, giản đơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực vẫn là những bất cập còn tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019 và ước thực hiện cả năm 2019, những vấn đề vướng mắc liên quan đến từng lĩnh vực của ngành Kế hoạch và Đầu tư; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020; trong đó nhấn mạnh đến các định hướng trọng tâm, các giải pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng, thời gian qua, Trung ương đã ban hành các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện vân chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư do gặp khó khăn về tiếp cận chính sách ưu đãi, đất đai, rủi ro trong sản xuất. Do đó, Trung ương cần rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển đầu tư vào nông nghiệp -nông thôn theo hướng thực tế, khả thi, phù hợp với điều kiện từng vùng.

Về chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, nhất là thiếu nguồn lực để triển khai các dự án và các hoạt động liên kết vùng. Khắc phục vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm tham mưu xây dựng chính sách đặc thù về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhận định, việc liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua vẫn còn chậm, chưa đạt hiệu quả, chỉ dừng lại ở những sáng kiến của tiểu vùng nên cần một quy hoạch chung về không gian phát triển cả vùng.

Vì thế, trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ sớm các kết quả nghiên cứu về khung phát triển vùng, từ đó giúp địa phương có căn cứ xây dựng định hướng chiến lược vào Dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới.

Ngoài ra, quan tâm, chia sẻ tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng khung của vùng để địa phương có thông tin nền tảng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, từ đó xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn lực thực hiện phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung khẳng định, Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vai trò là vùng đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, chiếm khoảng 45% GDP của cả nước.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cho GDP cả nước, chiếm 63,7%. Tiếp thu ý kiến của các địa phương về việc đầu tư của Trung ương cho 2 vùng thời gian qua còn thấp và vùng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ quan tâm đến vấn đề này trong xây dựng tiêu thức, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn lực trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, các vấn đề địa phương đưa ra tại Hội nghị sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp và giao cho các đơn vị của Bộ nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)