10:09 08/10/2012

Xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 43 dân tộc anh em chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 286.240 người (chiếm 24% dân số tỉnh), trong đó số người có trình độ từ cao đẳng trở lên là 2.537 người (cao đẳng 795, đại học 1.693, sau đại học 49)...

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 43 dân tộc anh em chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 286.240 người (chiếm 24% dân số tỉnh), trong đó số người có trình độ từ cao đẳng trở lên là 2.537 người (cao đẳng 795, đại học 1.693, sau đại học 49), chiếm tỷ lệ 0,88% trên tổng số người dân tộc thiểu số, chiếm 6,17% trên tổng số người có trình độ từ cao đẳng trở lên của tỉnh (41.130 người).


Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Lâm Đồng đã có sự quan tâm sâu sắc và nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số, xem đây là việc làm thường xuyên bởi đội ngũ trí thức này vừa thông thạo tiếng Kinh, vừa thông thạo tiếng mẹ đẻ, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc. Đây cũng là những người trực tiếp đưa khoa học, kỹ thuật, văn hóa vào cuộc sống, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi.


Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số của tỉnh còn rất mỏng, cả về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình hội nhập của tỉnh. Việc xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng chưa đạt kết quả như mong muốn là do công tác đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ này chưa đồng bộ, chưa sát với yêu cầu của từng vùng, từng địa phương; công tác quản lý, sử dụng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; số trí thức dân tộc đã ít lại bố trí không phù hợp; đầu tư cho hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học dân tộc còn ít...


Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện đồng bộ một số giải pháp, bao gồm việc xây dựng, củng cố và nâng cấp các trường dân tộc nội trú cả về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, loại hình đào tạo; xây dựng các trường chuyên nghiệp, dạy nghề mang tính đặc thù dành riêng cho con em người dân tộc thiểu số; bố trí sử dụng đội ngũ trí thức dân tộc phù hợp hơn; có chính sách đặc thù, đãi ngộ thỏa đáng về mức lương, đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc để trí thức dân tộc thiểu số phát huy sáng tạo; đồng thời có chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật từ nơi khác đến phục vụ tại vùng đồng bào dân tộc, vùng núi để bổ sung nhân lực cho đội ngũ trí thức những nơi này.

 

Hoàng Liên Sơn