11:14 10/11/2024

Xây dựng Đô thị di sản mang linh hồn 'Văn hóa Tràng An': Lan tỏa các giá trị cốt lõi

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU năm 2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh Ninh Bình phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành việc hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư trở thành thành phố Hoa Lư và xây dựng đô thị loại I với đặc trưng "Đô thị di sản thiên niên kỷ".

Việc xây dựng và phát triển Đô thị di sản xác định lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, lấy văn hóa làm ngọn đuốc soi đường. Tỉnh Ninh Bình xác định, di sản văn hóa, con người Tràng An là giá trị vĩnh cửu, là nền tảng để phát huy trong tiến trình xây dựng Đô thị di sản niên niên kỷ. Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết về chủ đề: Xây dựng Đô thị di sản mang linh hồn "Văn hóa Tràng An".

Chú thích ảnh
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, huyện Hoa Lư, sau sẽ được nhập toàn bộ vào thành phố Hoa Lư. 
Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Bài 1: Lan tỏa các giá trị cốt lõi

Ninh Bình vùng đất Cố đô ngàn năm lịch sử, địa linh nhân kiệt gắn liền với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng mang tầm vóc dân tộc và nhân loại. Nơi đây đã bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, thể hiện bản sắc, khí phách Đại Cồ Việt. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị "Văn hóa Tràng An" để vận dụng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người Hoa Lư "thanh lịch, hiền hòa, thân thiện, mến khách" từ đó lan tỏa các giá trị cốt lõi của con người và vùng đất.

Những giá trị đặc sắc của "Văn hóa Tràng An"

Cách đây 30.000 năm Ninh Bình đã là nơi cư trú của người tiền sử, dấu tích còn lưu lại ở các di chỉ khảo cổ như Thung Lang, thành phố Tam Điệp, hang Đăng Đắng ở xã Cúc Phương, Mán Bạc tại huyện Yên Mô và nhiều di chỉ khác tại Quần thể danh thắng Tràng An. Ở thế kỷ X, lịch sử Ninh Bình với văn hóa Tràng An đã tạo dấu mốc quan trọng khơi mạch nguồn hình thành văn minh Đại Việt – Việt Nam hôm nay. Những dấu vết khảo cổ, kiến trúc cung điện thành quách, chùa chiền, những viên gạch in quốc hiệu Đại Việt, cột kinh tràng bằng đá, đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo… được phát hiện và lưu giữ là minh chứng sinh động cho sự phát triển của nền văn hóa này của người Việt cổ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, sử dụng thuật ngữ "Văn hóa Tràng An" chứ không dùng thuật ngữ "Văn hóa Hoa Lư" vì về mặt thời gian "Văn hóa Tràng An" không chỉ có trong khoảng 42 năm tồn tại của Kinh đô Hoa Lư mà còn kéo dài mãi về sau này. Về mặt không gian "Văn hóa Tràng An" không chỉ giới hạn trong phạm vi Kinh đô Hoa Lư mà mở rộng ra các vùng xung quanh của tỉnh Ninh Bình. Diện mạo nổi bật nhất của "Văn hóa Tràng An" đó là giai đoạn văn hóa ở thế kỷ X - Thế kỷ bản lề. Thế kỷ X là cột mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam, là thế kỷ khép lại vĩnh viễn thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc và mở ra thời đại độc lập lâu dài. Thế kỷ X còn là bước quá độ từ thế kỷ IX của văn hóa nô dịch thuộc nhà Đường sang thế kỷ XI của sự phục hưng văn hóa dân tộc, trên nền tảng dân gian cổ truyền. "Văn hóa Tràng An" mang đậm tính dân gian rõ nét; mang dấu ấn tinh thần dân tộc tự chủ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường, điều đáng tự hào của nhân dân tỉnh Ninh Bình là "Văn hóa Tràng An" không hề bị mai một mà vẫn được gìn giữ, kế thừa trong đời sống văn hóa hiện nay. Có thể nói không chỉ là sự bảo tồn, kế thừa mà "Văn hóa Tràng An" đã được phục hưng, phát triển rực rỡ gấp nhiều lần trước đây. Theo đó, trên nền tảng sẵn có về di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, thành phố Hoa Lư trong tương lai có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cần thiết để sắp tới xây dựng trở thành một Đô thị Di sản thiên niên kỷ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân (Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ, Tràng An là vùng đất cổ, nơi cư trú liên tục của các tộc người bản địa từ thời tiền sử cho đến khi tiếp nhận những ảnh hưởng về chính trị - xã hội - văn hóa từ phương Bắc ở những thế kỷ đầu Công nguyên. Cụm di tích hang động tiền sử Tràng An đã góp phần chứng minh cho sự hiện diện của con người ở đây từ rất sớm đã chiếm lĩnh và chinh phục tự nhiên. Vùng đất Tràng An ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã mang vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng và có vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa; là nơi xây dựng Kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt trong buổi đầu độc lập. Trong quá trình tồn tại và phát triển ấy, người Tràng An đã hình thành và hun đúc cho mình những truyền thống quý báu, biến nó trở thành sức mạnh nội sinh, làm nền tảng vững chắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Lan tỏa các giá trị cốt lõi

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan chùa Bích Động - một di tích lịch sử văn hóa thuộc Quần thể danh thắng Tràng An Tam Cốc - Bích Động. Minh Đức/TTXVN

Sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng cư dân qua hàng nghìn năm đã để lại cho Ninh Bình nguồn di tích, di sản, di vật, cổ vật đồ sộ, có giá trị khoa học, lịch sử, thẩm mỹ đặc sắc. Đây là một trong những cơ sở để Ninh Bình xây dựng thương hiệu có tính bền vững, riêng biệt. Tỉnh đã tập trung đầu tư cho văn hóa với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể và tầm nhìn dài hạn. Các dự án quy hoạch, tôn tạo, tu bổ di tích được quan tâm đầu tư để phát triển du lịch. Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thường xuyên, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Với những tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Festival Ninh Bình" trở thành sự kiện văn hóa lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nơi kết nối, hội tụ, tôn vinh và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc và nhân loại. Hiện địa phương đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Festival lần thứ III năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản" sẽ tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, "giải mã" những giá trị tinh hoa rực rỡ của Cố đô Hoa Lư.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, đây là sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng và định vị thương hiệu Đô thị di sản thiên niên kỷ của tỉnh, đồng thời quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua việc tổ chức, Festival Ninh Bình góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về bề dày lịch sử và kho tàng di sản phong phú của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Ninh Bình đang nỗ lực nâng tầm hình ảnh, định vị thương hiệu địa phương từ chính bản sắc văn hóa của vùng đất Đế đô, từng bước đưa văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Trong những năm tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm phát huy nguồn lực văn hóa như: Thường xuyên thực hiện nghiên cứu khoa học, điều tra, kiểm kê, phân loại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn để đánh giá nguồn tài nguyên văn hóa, tiến tới xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên cơ sở đề cao tính khoa học - nghệ thuật. Ngành Văn hóa tỉnh nâng cao hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn, khôi phục di sản văn hóa phi vật thể nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm văn hóa, giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và khai thác giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh.

Bài 2: Hiện thực hóa khát vọng phát triển

Hải Yến (TTXVN)