11:06 11/11/2016

Xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới: “Nước sắp đến chân”

Theo Nghị quyết đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK), từ năm 2018 - 2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng CT - SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả 3 bậc học phổ thông.

Nếu vậy, năm 2016, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) cần xây dựng xong CT - SGK mới. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đưa ra từ 2015 vẫn chưa được phê duyệt.

“Giậm chân tại chỗ”

Thực hiện Nghị quyết đổi mới CT - SGK, Bộ GD - ĐT cho biết chủ trương là “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn sách giáo khoa. Chương trình mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, đồng thời có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa.

Việc triển khai xây dựng chương trình sách giáo khoa mới hết sức chậm chạp.

Chủ trương là vậy, lộ trình cũng rất rõ ràng nhưng việc thực hiện CT - SGK mới đến nay gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Một chuyên viên thuộc Ban Thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cho biết: Nếu theo Nghị quyết của Quốc hội, năm học 2018 - 2019, ngành GD - ĐT sẽ phải có SGK mới cho lớp 1, lớp 6, lớp 10. Và theo lộ trình này, năm 2016, Bộ GD - ĐT phải xây dựng xong chương trình, nhưng đến nay tất cả vẫn là dự thảo vì còn nhiều vấn đề vẫn chưa được thống nhất. Để có thể kịp hoàn thành SGK mới cho 3 lớp đầu cấp này đòi hỏi ngay trong năm 2016, ngành phải nỗ lực làm xong chương trình. Hơn nữa, việc làm SGK mới cũng yêu cầu phải tập trung được đội ngũ tác giả hùng hậu và có sự chuẩn bị thật tốt về mọi mặt.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, một lãnh đạo Sở GD - ĐT (xin giấu tên) cho biết, đến thời điểm này, Sở chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Bộ GD - ĐT về chủ trương đổi mới CT - SGK. Do đó, Sở cũng chẳng có căn cứ nào để triển khai hay lấy ý kiến giáo viên về việc thực hiện. Đến nay, cán bộ quản lý, giáo viên của Sở cũng chỉ biết thông tin về đổi mới CT - SGK qua mạng Internet, việc dạy và học trên thực tế vẫn theo chương trình cũ.

“Mặc dù tôi đã được Bộ GD - ĐT và Viện khoa học giáo dục mời tham gia hội thảo, tọa đàm mang tính nội bộ để lấy ý kiến về CT - SGK nhưng đến nay, vẫn chưa thấy Bộ quyết định đi theo hướng nào. Vì vậy, địa phương vẫn chờ đợi văn bản chính thức, trong khi có rất nhiều đổi mới trong thi cử”, vị Giám đốc Sở này băn khoăn.

Cuốn chiếu xây dựng chương trình từng cấp học

Theo ý kiến của nhiều giáo viên có kinh nghiệm, để thực hiện đúng lộ trình đổi mới, đảm bảo hiệu quả dạy và học, trước tiên, ngành GD cần tập trung vào làm cho xong chương trình. Nếu áp dụng nhiều đổi mới trong thi cử nhưng cách dạy, cách học vẫn theo phương pháp cũ, chương trình cũ thì chưa thể là đổi mới toàn diện. Không nhất thiết phải có một bộ SGK dùng chung như hiện nay. Bộ GD - ĐT chỉ cần đặt chuẩn đầu ra, rồi mỗi trường xây dựng một bộ tài liệu cho mình.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cũng cho rằng, từ chương trình từng môn học, các trường sẽ tổ chức xây dựng chương trình dạy học cho trường mình, các giáo viên sẽ căn cứ vào các tài liệu sẵn có để soạn giáo án cho mình hoặc viết thành những tài liệu có tính chất SGK.

“Khâu chính trong đổi mới là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đây là việc cần thiết, giải quyết được những vấn đề tồn tại nhưng hiện nay Bộ GD - ĐT lại chọn khâu thi cử là đột phá”, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét.
Theo GS Đào Trọng Thi, đổi mới chương trình tổng thể phải cần nhiều thời gian, cũng không thể thay đổi ngay ở lớp 12 trong khi lớp 1 chưa thay đổi. Để giảm bớt thời gian, ban soạn thảo chương trình cần cân nhắc đổi mới cuốn chiếu theo từng cấp học. Tuy nhiên, phải có ít nhất 3 năm cuốn chiếu xong với bậc THPT, bậc tiểu học cũng phải mất khoảng 5 năm.

“Tôi đồng ý là trong lúc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa có thì cần đổi mới một số khâu trong thi cử trước. Nhưng Bộ GD - ĐT cũng cần phải có sự điều chỉnh sao cho thật phù hợp với cách dạy và học trong trường phổ thông”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, bộ sách giáo khoa của mô hình VNEN (mô hình trường học mới) sẽ được tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện theo chương trình sắp ban hành để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng từ năm học 2018 - 2019.

“Khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình bộ môn được ban hành thì sẽ có căn cứ để chính thức bắt tay vào hoàn thiện SGK. Chương trình mới sẽ tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học, sách của VNEN hiện nay cũng đã tiếp cận theo hướng đó", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào cuối tháng 10/2016, tiến độ thực hiện đề án Chương trình tổng thể về phổ thông rất chậm. Các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhiều chuyển biến. Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chưa ban hành. Trong khi đó, thời hạn dự kiến đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục mới đang đến gần (năm học 2018 - 2019).

Do đó, Bộ GD - ĐT cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ và yêu cầu Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội; tích cực chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ: Bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể; ban hành quy định tiêu chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn người tham gia xây dựng, người tham gia thẩm định chương trình, quy định về tổ chức và hoạt động của Ban xây dựng, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, triển khai thực hiện 28 nhiệm vụ khoa học cấp thiết phục vụ xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; thí điểm triển khai các mô hình, phương pháp dạy học mới nhằm chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tổ chức làm việc với một số nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế để trao đổi, tiếp thu các ý kiến góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Hiện nay, Bộ GD - ĐT đang xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, sau khi ban hành chương trình thì sẽ ban hành đồng bộ các văn bản này để định hướng cho các Nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân trong viêc biên soạn sách giáo khoa; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch. 

TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT: Chương trình tổng thể mà Bộ GD - ĐT đưa ra góp ý từ 1 năm trước có một số ưu điểm nổi bật, đó là: Cách tiếp cận, quan điểm xây dựng chương trình khá mới mẻ, hiện đại, tiếp thu được giá trị của chương trình cũ và chương trình của một số nước tiên tiến. Chương trình này hướng tới đảm bảo giáo dục toàn diện, hướng tới tính đồng loạt (phổ thông, phổ cập) và tính cá thể (phân hóa tạo cho mỗi học sinh diều kiện phát triển tối ưu). Chương trình hướng tới sự tinh giản, hợp lý và hướng tới trình độ phát triển cao của giai đoạn mới. 

Nhưng theo dự thảo này thì cũng còn bất cập như: Định hướng xây dựng chương trình các môn học còn thiếu chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào quá trình học tập tiếp và vào cuộc sống hằng ngày. Chương trình các hoạt động giáo dục khác chưa có yêu cầu cụ thể học sinh cần đạt được. Điều kiện thực hiện chương trình được nêu khái quát, khá đầy đủ, nhưng chưa có điều kiện đảm bảo cho những điều kiện đó có được khi triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Cần có văn bản hướng dẫn xây dựng chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cùng với việc triển khai viết sách giáo khoa. Tôi hy vọng sẽ có được chương trình tổng thể và chương trình cụ thể các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.


Lê Vân