11:18 25/11/2019

Xây dựng chuẩn thư viện trường học phải khảo sát nhu cầu học sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Luật Thư viện vừa được Quốc hội thông qua trong bối cảnh ngành giáo dục đang cụ thể hoá những nội dung của Nghị quyết 88 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đặc biệt, thư viện là một trong những cấu phần quan trọng góp phần hình thành văn hoá đọc, xây dựng thói quen đọc sách, từ đó hoàn thiện, xây dựng thông tư mới về quy chế hoạt động thư viện trong nhà trường.

Tại Hội thảo tổng kết công tác thư viện năm học 2018 - 2019 định hướng xây dựng bộ tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng những cơ sở pháp lý của việc xây dựng quy chế, tiêu chuẩn hoạt động thư viện trong nhà trường đã quá cũ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định mỗi cán bộ thư viện phải là cán bộ tuyên truyền giỏi. Ảnh: Lê Vân.

Cụ thể, Quyết định 61 được ban hành năm 1998 và năm 2003 là quyết định 01 về quy chế hoạt động thư viện của trường phổ thông Việt Nam. Vấn đề về thư viện đặt ra tại thông tư 30 liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính ban hành 1990 ghi rõ trích ngân sách dành cho thư viện từ 2 - 3% ngân sách chi thường xuyên tỉnh, quận, huyện mua sắm thiết bị dành cho thư viện.  Nhưng trong bối cảnh mới, Luật thư viện được Quốc hội thông qua, đặc biệt Nghị quyết 88 yêu cầu đổi mới từng yếu tố. Trong đó, đổi mới từ giáo viên, nội dung sách giáo khoa, đặc biệt thư viện là một trong những cấu phần rất quan trọng góp phần hình thành văn hoá đọc, thói quen đọc sách. Từ đó xây dựng thông tư mới thay thế quyết định 01, quyết định 61 về quy chế hoạt động thư viện.  

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, điều đầu tiên khi xây dựng chuẩn thư viện là phải khảo sát nhu cầu đọc của học sinh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi thì mới thu hút các em học sinh đến thư viện. Sau đó, xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện. Mở rộng thư viện theo hướng mở. Như có thể tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau để chăm lo cho thư viện. Các hình thức như tự đọc có hướng dẫn, kể chuyện trong thư viện… để hoạt động hiệu quả; Cán bộ thư viện làm tốt công tác tuyên tuyền giới thiệu sách; Ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện; Liên kết được 4 yếu tố như: tài liệu, người đọc, cán bộ thư viện cơ sở vật chất. Các thầy cô, lãnh đạo các trường, Sở GD&ĐT phải bàn kỹ xem lại 4 cấu phần đó liên hệ như thế nào, có tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào, có phát huy được hiệu quả hay không.  

“Cán bộ thủ thư là những cán bộ được học, tập huấn, thái độ ứng xử thân thiện, ai cũng có quyền tiếp cận văn hoá đọc…  Mỗi cán bộ thư viện phải là tuyên truyền viên giỏi. Muốn như vậy cần tạo sân chơi để khuyến khích người làm thư viện phát triển. Ví dụ như từ năm 2005, Hà Nội đã có cuộc thi cán bộ thư viện giỏi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. 

Lê Vân/ Báo Tin tức