12:15 24/12/2015

Xây dựng chính sách tổng hợp, dài hạn

Nhiệm vụ chăm lo phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL nói riêng đã, đang và sẽ được phản ánh sâu sắc trong chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Điều chỉnh lại mục tiêu giảm nghèo

Do xuất phát điểm thấp nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nam Bộ thấp nhất vùng. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn tới 30% trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân của vùng là 7,8%. Công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm thiếu căn cơ. Việc xây dựng chính sách đặc thù đề ra mục tiêu giảm nghèo từ 4 - 5%/năm là rất khó vì tỷ lệ này quá cao so thực tế trong khi tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS tại các địa phương hàng năm chỉ đạt từ 2 - 3%.

Sôi nổi lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL.
Ảnh: Anh Đức


Ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Công tác dân tộc đã được quan tâm

Từ năm 2011 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, chính sách của trung ương và các chính sách của địa phương, tỉnh Kiên Giang đã tập trung triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc với nguồn vốn trên 500 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, đời sống khó khăn với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, trong đó 1.422 hộ được hỗ trợ đất ở, 3.759 hộ có nhà ở, 100 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đầu tư xây dựng 14 công trình cấp nước tập trung phục vụ cho trên 1.200 hộ, đào tạo nghề cho 4.864 thanh niên dân tộc… Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển, diện mạo vùng nông thôn, vùng đồng bào có sự thay đổi rõ nét, đời sống của bà con không ngừng nâng lên. Từ 53 xã thuộc vùng khó khăn năm 2010, đến nay toàn tỉnh còn 26 xã, từ 18 xã thuộc Chương trình 135 nay còn 9 xã. Tỷ lệ hộ nghèo còn 7,41% (bình quân giảm 2 -3%/năm)…

Những năm tiếp theo Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer, nhất là về kết cấu hạ tầng, đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm, nước sinh hoạt, vốn phát triển sản xuất… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào tự lực vươn lên giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác dân tộc gắn với sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc các cấp để đảm đương tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Võ Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Tạo đột phá trong chính sách dân tộc

Cần quan tâm chính sách phát triển nguồn nhân lực trong cộng đồng các dân tộc. Đây là nội dung sẽ tạo ra sự đột phá trong chính sách dân tộc, vừa có ý nghĩa trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài. Mô hình đào tạo, tạo nguồn, chính sách cử tuyển, đào tạo cán bộ quy hoạch cho các địa phương hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, nguồn cán bộ hiện có và chất lượng dân số trong cộng đồng các dân tộc có thể nói còn bất cập, chưa đáp ứng và tương xứng với nhu cầu cách mạng hiện nay, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của các dân tộc trong bối cảnh tình hình mới.

Do vậy cần có chính sách mà đầu ra khắc phục cơ bản tình trạng trên. Phải dự báo được tình hình trong 20 - 30 năm và lâu hơn nữa; cần có mô hình đào tạo con em đồng bào các dân tộc từ tiểu học đến đại học tập trung trong các học viện, nhà trường của quốc gia. Song song với quá trình đó là các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách linh hoạt đáp ứng nhu cầu trước mắt của các địa phương và của các dân tộc. Chú ý và quan tâm việc đào tạo của Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer (về chương trình khung, sách giáo khoa…) sao cho phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho công tác quản lý, đào tạo và sử dụng khi những vị sư xuất tu có thể có một nghề nghiệp ổn định. Tránh tình trạng hiện nay Chương trình đào tạo của Học viện Phật giáo Nam tông không do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý…

Cần có chính sách xây dựng các mô hình kinh tế cho đồng bào Khmer tương ứng với vùng kinh tế, văn hóa Nam Bộ... mang tính tổng hợp nhiều năm. Các chính sách này thông qua các dự án phát triển kinh tế - xã hội toàn diện đối với tộc người và gắn với quy hoạch phát triển của vùng, địa phương và phải được triển khai qua các kế hoạch mang tính hệ thống với nhiều dự án thành phần và tính bằng hàng chục năm. Đây là mô hình cần thu hút nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, văn hóa, du lịch, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư… Các chính sách hiện nay chưa làm được điều này. Hạt nhân của các dự án này là các nhà khoa học, các nhà quản lý và các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư bên cạnh việc đầu tư của nhà nước. Mỗi vùng căn cứ vào thành phần tộc người đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa mà định ra hệ thống, thứ tự các dự án thành phần và lộ trình thực hiện mới đạt mục tiêu đề ra.

Chính sách giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách, tình thế thì vẫn phải căn cứ vào tình hình thực tiễn mà tiến hành các chính sách theo lĩnh vực, theo tộc người và theo vùng. Tuy nhiên cần nâng cao nhận thức, quan điểm và phương pháp xây dựng, triển khai, đánh giá chính sách thì chính sách mới đi vào cuộc sống.


Ông Thạch An, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long): Cuộc sống của đồng bào ngày càng ổn định

Địa phương tôi ở có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với hơn 4.700 người, chiếm 41% dân số toàn xã. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, nhà nước cùng với tinh thần vượt khó vươn lên của mỗi gia đình, cuộc sống của đồng bào Khmer ngày càng ổn định.
Trước đây gia đình tôi nghèo lắm. Do ít đất sản xuất lại không có nghề nghiệp nên vợ chồng tôi làm thuê đủ nghề mà vẫn nghèo. Năm 2010, gia đình tôi được vay 13 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn này, tôi phát triển mô hình chăn nuôi bò với quyết tâm thoát nghèo. Nhờ siêng năng, cần cù và tích lũy đến nay đàn bò nhà tôi đã phát triển được 4 con. Ngoài ra, để ổn định cuộc sống và có điều kiện nuôi con ăn học, vợ chồng tôi còn tích cực làm thêm, trồng sen để tăng thêm thu nhập. Năm 2013, được Nhà nước hỗ trợ một phần và sự giúp đỡ của người thân, gia đình tôi đã xây được căn nhà mới khang trang. Đây cũng là năm mà gia đình tôi được xét thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Dạng, Bí thư xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng): Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước hết là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, để nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, xã đã phối hợp với cấp trên hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ, gắn với đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, từ đó cho năng suất, chất lượng, hiệu quả thiết thực.

Chính vì vậy, đối với bà con Khmer trong xã, niềm vui càng nhân lên gấp bội bởi ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vui đón lễ hội cổ truyền dân tộc Sene Dolta vừa qua. Bằng những chính sách đúng đắn, kịp thời, cùng với các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước được triển khai, diện mạo, đời sống kinh tế, tinh thần vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày nay có nhiều khởi sắc. Con em dân tộc Khmer được chăm lo học tập, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm, sư sãi, phật tử tại các vùng có đông bà con Khmer sinh sống phấn khởi trước sự phát triển ngày càng toàn diện của chính phum sóc mình, vùng đồng bào dân tộc mình nói riêng và của đất nước nói chung.
Anh Đức - Chanh Đa