05:17 26/05/2025

Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ

Ngày 26/5, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức hội thảo "Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Chú thích ảnh
Hội thảo Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sau chiến tranh, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý đồng bộ và phương pháp giáo dục hiệu quả hơn, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một chiến lược cấp quốc gia cho lĩnh vực này.

Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn được xây dựng với mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại hội thảo, số liệu công bố mới nhất cho thấy, ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh vẫn là vấn đề nghiêm trọng. Đến cuối năm 2024, Việt Nam còn khoảng 5,6 triệu ha đất nhiễm bom mìn, chiếm hơn 17% diện tích đất tự nhiên.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Lê Quang Hợp, Phó Tổng giám đốc Thường trực Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn, nâng cao chất lượng cuộc sống bảo đảm an toàn cho nhân dân. Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp truyền thông góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm bom mìn lớn, chủng loại đa dạng phức tạp; hệ thống văn bản pháp lý về công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn chưa toàn diện dẫn đến tình hình tai nạn bom mìn ở Việt Nam tuy có giảm những vẫn còn xảy ra và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn.

Từ tình hình trên, ngày 21/4/2010, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504), trong đó đề cập nội dung xây dựng Chiến lược quốc gia giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Tiếp đó, ngày 22/6/2023, tại Quyết định số 748, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023 - 2025 và giao Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ.

Chú thích ảnh
Đại tá Lê Quang Hợp, Phó Tổng giám đốc Thường trực Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đại tá Lê Quang Hợp cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, trong quá trình chuẩn bị dự thảo Chiến lược từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã nhận được sự phối hợp, tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu cùng các chuyên gia, nhà khoa học; sự đóng góp quý báu của các bộ, ngành trung ương, địa phương; sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế về kinh phí, kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nội dung Chiến lược.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao mục tiêu tổng quát của Chiến lược, với việc huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; triển khai đồng bộ, bền vững các giải pháp giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng và an ninh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân; thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng, từng bước giảm thiểu và tiến tới không còn tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

Đại tá Trần Hữu Thành, Phó trưởng Phòng Kế hoạch điều phối (Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam) cho rằng, Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ ra đời có ý nghĩa quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai các công tác liên quan; đồng thời mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình sinh hoạt và lao động sản xuất, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng. Ngoài ra, Chiến lược được ban hành sẽ góp phần huy động hiệu quả hơn nguồn lực trong nước và quốc tế để từng bước giảm thiểu, hướng tới không còn thương tích do bom mìn vật nổ sau chiến tranh gây ra.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo chuyên gia Phan Đức Tuấn, cố vấn của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, khi được ban hành, Chiến lược sẽ khắc phục đồng bộ những tồn tại hiện có như: thiếu khung pháp lý riêng, thiếu bộ máy chuyên trách, năng lực tổ chức còn hạn chế... bằng các nhóm giải pháp, cùng các chỉ tiêu cụ thể, vì mục tiêu không còn người dân nào bị tai nạn bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến bổ sung, điều chỉnh các nội dung trong dự thảo Chiến lược và phương pháp triển khai tổ chức thực hiện khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành (dự kiến tháng 11/2025); đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực quốc tế để triển khai hiệu quả 8 nhóm chương trình, dự án trong Chiến lược.

Hiền Hạnh (TTXVN)