10:08 06/10/2022

Xanh hóa và câu chuyện phát triển bền vững của ngành bột giấy Quảng Ngãi

Để phát triển xanh, bền vững thì doanh nghiệp phải chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và luôn cập nhật công nghệ xử lý mới, từ đó bắt kịp xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường. Đây cũng là cách Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đang làm, vừa tăng hiệu quả kinh doanh, vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường đạt chuẩn an toàn cao nhất.

“Chìa khoá” giải quyết bài toán môi trường

Những năm qua, ngành công nghiệp bột giấy có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế, đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, không ít nhà máy bột giấy và giấy từng đứng trước thách thức lớn về môi trường vì không đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc không xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông, hồ, biển, dẫn đến gây hại cho môi trường.

Bên cạnh đó, khi quy trình sản xuất không được tối ưu hóa thì việc lãng phí nguyên, nhiên liệu cùng việc tạo ra khí thải cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

Chú thích ảnh
Hình ảnh Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 với công nghệ Châu Âu hiện đại.

Là một tỉnh có diện tích bờ biển lớn, nên việc phát triển bền vững kinh tế biển đang được đặt ra cấp thiết. Do đó, những năm gần đây, ngành sản xuất bột giấy Quảng Ngãi có yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp ngành bột giấy và giấy tại Quảng Ngãi đã có kế hoạch phát triển hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ enzyme và vi sinh vật, sẽ giúp giải “bài toán” môi trường trong sản xuất bột giấy, hướng tới một nền sản xuất công nghiệp xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy cũng có những yêu cầu “xanh hóa” rất cụ thể trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, phát triển vùng nguyên liệu, bảo vệ môi trường và cắt giảm phát thải…Trên thực tế chương trình “xanh hóa” ngành bột giấy tỉnh này triển khai từ 3-4 năm qua, góp phần tích cực vào hoạt động quản trị ngành và môi trường, mang lại nhiều lợi ích về xã hội, kinh tế.

Phát triển xanh, bền vững là mục tiêu hàng đầu

Ông Nguyễn Đức Hữu - Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại huyện Bình Sơn chia sẻ, thực tế, Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 cũng đứng trước thách thức lớn về môi trường như bao doanh nghiệp khác. Đó là bài học lớn giúp doanh nghiệp tự điều chỉnh, xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải... Bởi nếu phát triển kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì cái giá phải trả trong tương lai rất lớn và con đường để phát triển bền vững không gì khác là phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Do đó, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra định hướng chiến lược phát triển bền vững để có thể tạo nên sản phẩm bột giấy chất lượng cao, thân thiện môi trường. Cho đến nay, hệ thống này gần như đã hoàn thiện. Thậm chí, có những chỉ tiêu trong xử lý thải, doanh nghiệp đã có những chỉ số vượt xa yêu cầu.

Chú thích ảnh
Phân xưởng chính của Nhà máy Bột - Giấy VNT 19.

Cụ thể, Nhà máy đã ứng dụng nền tảng công nghệ tự động hóa nhằm tiết kiệm năng lượng và nguyên - nhiên liệu, sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt (Isothermal cooking-ITC), công nghệ tẩy ECF không sử dụng nguyên tố Clo để tẩy trắng có chi phí vận hành thấp, bột có chất lượng cao hơn trong khi mức độ ô nhiễm môi trường thấp hơn hoặc tương đương với công nghệ TCF, tuần hoàn tái sử dụng đến 90% lượng nước thải từ sản xuất.   

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy mới 100%, do AQUAFLOW (AQF) Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các Quy chuẩn môi trường.

Đặc biệt, các kỹ sư của Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 cũng nghiên cứu định mức sử dụng hợp lý các loại hóa chất, chủ động tìm kiếm các phụ gia thay thế trong quá trình sản xuất, đảm bảo mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều là sản phẩm xanh, chất lượng, an toàn cho môi trường và cộng đồng.
Cùng với việc tạo ra sản phẩm bột giấy cao cấp, nhà máy Bột – Giấy VNT19 cũng chú trọng đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến, các hoạt động giám sát với hệ thống quan trắc tự động liên tục nhiều cấp hoạt động 24/7, số liệu liên tục được cập nhật và truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa ra ngoài môi trường và đầu tư hệ thống liên hồ sinh học, hồ kiểm chứng với mục đích phòng ngừa và ứng phó sự cố.

Ông Nguyễn Đức Hữu - Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại huyện Bình Sơn cho biết: Các chỉ tiêu về nước thải, khí thải sau xử lý của Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đều nằm trong giới hạn Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, trong đó nước thải sau khi xử lý có chất lượng tốt hơn nhiều so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.

Theo kế hoạch, vào năm 2023, Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ, đóng góp lớn cho nguồn ngân sách của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.