03:15 29/03/2017

Xâm lấn đất nông nghiệp diễn biến phức tạp

Tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp để làm nhà ở, quán bán hàng, nhà xưởng kinh doanh... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá phức tạp. Điều này khiến cho nhiều người dân bức xúc; nếu không xử lý đến nơi đến chốn sẽ là một tiền lệ xấu, dẫn tới tiếp tục sai phạm sẽ còn lan rộng.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho thấy, hết tháng 8/2016, trên địa bàn tỉnh có 15.664 trường hợp vi phạm đất đai, tổng diện tích 847,8 ha. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích như xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp, dựng lều, quán bán hàng, nhà xưởng... trên đất dành cho hành lang giao thông.

Đến hết tháng 12/2016, toàn tỉnh đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 10.365 trường hợp, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 2.164 trường hợp; vận động tháo dỡ 3.320 trường hợp; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm đối với 643 trường hợp; rà soát, công nhận quyền sử dụng đất cho 4.238 trường hợp.

Xã Tân Tiến và Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường) là các địa phương điển hình về vi phạm Luật Đất đai. Tính đến hết tháng 8 năm 2015, xã Đại Đồng có 566 trường hợp vi phạm với tổng diện tích gần 470.000 m2; xã Tân Tiến có 319 hộ vi phạm với tổng diện tích trên 67.000 m2, đã xây dựng nhà ở, công trình kinh doanh dịch vụ, công trình chăn nuôi. Hiện nay một số công trình vi phạm đang tiếp tục xây dựng.

Trong năm 2016, trong 4 xã Đại Đồng, Nghĩa Hưng, Chấn Hưng và Tân Tiến (Vĩnh Tường) có 86 trường hợp vi phạm (xã Chấn Hưng có 31 trường hợp vi phạm, xã Đại Đồng có 21 trường hợp vi phạm, xã Nghĩa Hưng có 14 trường hợp vi phạm, xã Tân Tiến có 20 trường hợp). Trong số 86 trường hợp nói trên, nhiều trường hợp tái vi phạm, nhiều trường hợp mới phát sinh.

Vấn đề xâm lấn đất nông nghiệp làm nhà, xưởng... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra trong nhiều năm. Tại nhiều hội nghị, cuộc tiếp xúc cử tri, các kỳ họp HĐND tỉnh đã có không ít ý kiến bức xúc, phản ánh với mong muốn các địa phương, ngành chức năng ra tay xử lý nghiêm.

Cho dù các địa phương, ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng xâm lấn đất nông nghiệp, đất công thường tổ chức san lấp, tạo mặt bằng vào đêm tối, việc xây dựng nhà xưởng cũng diễn ra nhanh chóng.

Ban đầu người xâm lân đất thường làm các lều quán nhỏ trên mặt bằng nhỏ, khi đã có nơi buôn bán nơi ở tạm thời họ tiến hành đổ đất lấn ra ruộng đồng để mở rộng diện tích ngày càng lớn. Khi diện tích đủ rộng thì các đối tượng triển khai làm nhà xưởng để ở và kinh doanh cố định.

Qua tìm hiểu của phóng viên thì việc mua bán, chuyển nhượng đất đai lấn chiếm trên đất nông nghiệp cũng diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương. Giá đất đã xâm lấn trái phép gần các trục đường lớn phổ biến từ 180- đến 250 triệu đồng/sào (360 m2), nếu đất có công trình xây hoàn chỉnh hoặc kiên cố rộng rãi thì giá cao hơn, dễ mua bán chuyển nhượng hơn.

Trong cuộc họp bàn về siết chặt quản lý đất đai, khoáng sản; giải tỏa hành lang an toàn giao thông và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo diễn ra gần đây, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Các cấp, ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về Luật đất đai; công bố công khai quy hoạch các công trình, dự án sẽ triển khai tới mọi người dân.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác phối hợp, rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ở đâu xảy ra vi phạm, người đứng đầu địa phương sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm với cấp huyện, tỉnh. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành liên quan xây dựng khung giá đất hằng năm.

Riêng về quản lý khoáng sản, cần tăng cường thanh, kiểm tra công tác khai thác tài nguyên khoáng sản; tiến hành giám sát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân vi phạm về kinh doanh cát, sỏi trên hành lang ven đê; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, không bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng để có tình vi phạm.
 
Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)