05:16 31/05/2013

Xách hộ hàng - 'mánh' buôn lậu qua đường hàng không

Tình trạng sử dụng đường không để buôn lậu, “đánh” hàng vào Thủ đô đang ngày càng gia tăng, nhất là các mặt hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, thuốc lá... Thủ đoạn của những kẻ buôn lậu cũng ngày càng tinh vi như nhờ người xách ra ngoài khu vực sân bay, sau đó gom lại.

Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng đường không để buôn lậu, “đánh” hàng vào Thủ đô đang ngày càng gia tăng, nhất là các mặt hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, thuốc lá và điện thoại di động đã qua sử dụng. Thủ đoạn của những kẻ buôn lậu cũng ngày càng tinh vi như nhờ người xách ra ngoài khu vực sân bay, sau đó gom lại.

Một cán bộ hải quan công tác lâu năm trong lĩnh vực chống buôn lậu tại Hà Nội cho hay: Giới buôn lậu có những “mánh” riêng cho từng loại hàng, từng tuyến bay “đánh” hàng về nội địa. Điển hình như thuốc lá nhập lậu, mặt hàng thường được vận chuyển từ nước Nga về, lý do là giá thuốc lá tại đây tương đối thấp. Để vận chuyển được mặt hàng cồng kềnh và khó qua mặt máy soi, các đầu nậu thường lợi dụng những người lao động không biết quy định về tiêu chuẩn khi mang thuốc lá về Việt Nam xách hộ.

Vụ vận chuyển trái phép chế phẩm từ ngà voi bị lực lượng Hải quan phát hiện đầu tháng 4/2013. Ảnh: baohaiquan.vn


“Qua việc lấy lời khai những đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu bị hải quan phát hiện, có đến 90% là nhờ xách hộ. Đáng lo là những trường hợp này, hải quan chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển còn chủ mưu của vụ việc thì lại không xử lý được” - Cán bộ hải quan này cho hay.

Đáng lưu ý với hành vi có nguồn gốc động vật hoang dã, các đối tượng buôn lậu thường để trong hành lý ký gửi và xếp lẫn vào những mặt hàng khác trong hành lý khiến lực lượng kiểm soát hải quan khó phát hiện. Còn với điện thoại di động đã qua sử dụng, mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu bị cơ quan hải quan liên tiếp phát hiện thời gian qua, xu hướng của chúng là tháo linh kiện ra và “đánh” về theo đường xách tay.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài Nguyễn Văn Chiến: Để qua mặt lực lượng chức năng tại sân bay, có đối tượng buôn lậu điện thoại di động khi vào đến khu vực cách ly của công an để kiểm tra hộ chiếu, đã lẩn vào khu vệ sinh để giấu hàng, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển ra ngoài. “Quái chiêu” ranh ma này đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Vì khi tháo rời các bộ phận, chi tiết của chiếc điện thoại ra thì hình ảnh chiếu trên máy soi rất khó bị phát hiện" - ông Chiến cho biết.

Nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, vận chuyển qua sân bay quốc tế Nội Bài đã được lực lượng hải quan kịp thời phát hiện. Song, theo đại diện Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hà Nội), khâu xử lý tang vật vi phạm và hành vi vi phạm của đối tượng vận chuyển lại gặp trở ngại lớn do những bất cập trong các quy định hiện hành cũng như công tác phối hợp với cơ quan liên quan. Theo một cán bộ Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm, cơ quan hải quan khó có thể thu được khoản tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính, hoặc chỉ thu được rất ít.

Năm 2012 số tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính đối với các vụ vận chuyển trái phép qua biên giới chỉ thu được 1/3 số tiền mà cơ quan hải quan ra quyết định xử phạt. Nguyên nhân một phần là đối tượng vi phạm không có sự ràng buộc với cơ quan hải quan. Còn cơ quan hải quan, theo quy định của pháp luật thì không được phép giữ bất cứ giấy tờ tùy thân nào của đối tượng vi phạm.

Cùng với những khó khăn trong việc đối phó với những thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu, điều kiện làm việc cộng với sự quá tải tại sân bay quốc tế Nội Bài đang là áp lực đè nặng những cán bộ hải quan làm nhiệm vụ tại đây. Hiện trung bình một ngày có trên 120 chuyến bay quá cảnh vào sân bay Nội Bài, cùng với đó, số khách nhập cảnh một ngày khoảng 5.800 đến 6.000 người và số khách xuất cảnh cũng tương đương. Số lượng chuyến bay và hành khách lớn như vậy nhưng Tổ Chống buôn lậu Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài lại chỉ có 5 cán bộ chuyên trách.


Anh Tùng