08:17 16/08/2017

Xác định nguyên nhân khiến cá mú nuôi chết hàng loạt ở Quảng Ngãi

Ngày 16/8, ông Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi thông tin, nguyên nhân khiến cá mú nuôi lồng tại khu vực thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chết hàng loạt được xác định là do nhiễm vi khuẩn, nhập nguồn giống từ tỉnh Khánh Hòa chưa qua kiểm dịch.

Cá mú nuôi chết hàng loạt ở Quảng Ngãi là do nhiễm vi khuẩn. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Trước đó, khoảng cuối tháng 7, người dân phát hiện cá mú trong lồng có hiện tượng nổi đầu, bơi lờ đờ trên mặt nước, xoay tròn, không định hướng và chết hàng loạt. Đến chiều ngày 3/8, tình trạng cá chết tiếp tục lan rộng ra các lồng xung quanh với khoảng 9/94 hộ bị ảnh hưởng. Bệnh diễn biến trên cá nuôi ở giai đoạn 2 - 5 tháng sau thả.

Nhận được tin báo của người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã xuống hiện trường đo nhanh các chỉ tiêu độ mặn, pH, lấy 2 mẫu cá chết của hộ ông Đặng Minh Quân và Bùi Tuyết gửi Cơ quan Thú y vùng VI phân tích, xét nghiệm; cùng 2 chỉ tiêu kèm theo là Oxy và NH3.

Kết quả xét nghiệm, Cơ quan Thú y vùng VI gửi về nêu rõ: đối với quy chuẩn Việt Nam QCVN 10- MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển, chỉ tiêu NH3 vượt giới hạn cho phép (giá trị giới hạn của chỉ tiêu NH3 theo quy chuẩn là NH3 nhỏ hơn hoặc bằng 0,1 mg/l). Hai mẫu cá âm tính với bệnh hoại tử thần kinh VNN.

Mẫu cá chết của hộ nuôi Bùi Tuyết phát hiện nhiễm vi khuẩn Photobacterium damselae, Vibrio parahaemolyticus; mẫu cá của hộ nuôi Đặng Minh Quân phát hiện nhiễm vi khuẩn Aeromonas sobria.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đề nghị Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bình Sơn, Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận hướng dẫn các hộ nuôi thu gom cá chết chôn ở vị trí thích hợp, tiêu độc khử trùng hố chôn bằng vôi, chlorine… với liều lượng thích hợp; sử dụng các biện pháp đảo nước để tăng cường ôxy hòa tan nhất là vào khoảng thời gian từ 3 - 4 giờ sáng; sử dụng thuốc tím cho vào túi vải, treo trong lồng đầu dòng chảy, sau thời gian 3-4 ngày thay 1 lần để hạn chế mầm bệnh trong môi trường nước.

Đối với cá bị bệnh, các hộ nuôi tắm nước ngọt cho cá trong thời gian 5 phút; sau đó chuyển cá sang thùng chứa 100ml nước biển có pha 50- 100 ml dung dịch formol để tắm cho cá, theo dõi các phản ứng hoạt động của cá; tắm liên tục 4-5 ngày…

Vĩnh Trọng (TTXVN)