03:14 13/03/2019

Xác định được loài sinh vật lạ tấn công ngao giống tại Ninh Bình

Trước sự việc thời gian gần đây tại vùng biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xuất hiện loài sinh vật lạ tàn phá đàn ngao giống của bà con, mới đây Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã có kết quả trả lời về mẫu vật sinh vật lạ, đồng thời có những khuyến cáo bổ ích cho bà con nuôi ngao.

Chú thích ảnh
Sinh vật lạ tại vùng biển Kim Sơn.

Kết quả xét nghiệm cho thấy loại sinh vật lạ tấn công ngao giống của bà con Kim Sơn là rết biển hay còn gọi là sâu biển, có tên khoa học Chloeia sp, thuộc ngành giun đốt Annelida, lớp giun nhiều tơ Polychaeta, bộ Amphinomidae, họ Amphinomidae.

Loài rết biển này có đặc điểm thân dài khoảng 5 cm đến 10 cm, trên thân có nhiều lông chạy dọc theo hai bên thân; dọc theo sống lưng từ đầu đến cuối cơ thể có các hình tam giác và đốm tròn màu sắc khác nhau; phân bố trên hoặc dưới đáy cát và bùn, đặc biệt tích cực bò lên bề mặt nước và thường bị thu hút bởi ánh sáng vào ban đêm; ăn các san hô, bọt biển, hải quỳ, thủy tức, hải tiêu. Loài này dù không có hàm nhưng có thể nuốt con mồi vừa cỡ miệng và hút hết nước bên trong.

Trước kết quả xét nghiệm và định danh loại sinh vật ăn ngao giống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân không thả giống ngao cỡ nhỏ trên 500 con/kg nên thả ngao giống có kích thước lớn để tránh bị sâu biển ăn thịt.

Ngoài ra, các hộ nuôi ngao cần chủ động tích cực diệt sâu bằng các biện pháp thủ công như giăng lưới, quăng đăng để bắt và diệt trừ; sử dụng nguồn thắp sáng để kích thích dẫn dụ sâu biển nổi lên mặt nước tập trung ở một điểm sau đó dùng lưới, vợt bắt; tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc không trong danh mục được phép, hóa chất động hại không rõ nguồn gốc để tiêu diệt sâu biển vì phương pháp này gây ảnh hưởng xấu đến ngao nuôi và môi trường xung quanh.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, tại vùng biển Kim Sơn tái xuất hiện loại rết biển đến ăn ngao giống trên diện tích 30 hecta thuộc khu vực ngoài đê Bình Minh 3, từ Ngánh Đứt đến Ngánh Kim. Chúng ăn ngao có kích thước nhỏ từ ngao tấm lên ngao cúc (chừng đầu đũa).

Theo người dân, có thời điểm rết biển xuất hiện dầy đặc lên đến 30 con/m2; có 10 hộ nuôi ngao đã bị thiệt hại vì loại rết biển này, trong đó nhiều hộ nuôi ngao giống bị mất trắng

Tin, ảnh: Đức Phương (TTXVN)