05:22 20/05/2015

Xã nông thôn mới của đồng bào Cơ Tu

Sau hơn 4 năm xây dựng, từ một vùng định canh định cư, với 100% đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu nghèo khó, đầu năm 2015, xã miền núi Hương Sơn (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã cán đích nông thôn mới (NTM).

Sau hơn 4 năm xây dựng, từ một vùng định canh định cư, với 100% đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu nghèo khó, đầu năm 2015, xã miền núi Hương Sơn (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã cán đích nông thôn mới (NTM).

Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng thay cho những ngôi nhà tạm.


Hương Sơn, xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nam Đông, đã từng để lại dấu ấn đáng ghi nhận khi xin ra khỏi chương trình 135 vào năm 2004, đồng nghĩa với việc xin thôi hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Lãnh đạo xã Hương Sơn cho biết, xã đã tổ chức họp dân, bàn bạc và tình nguyện làm đơn xin rút khỏi chương trình, để nhường suất đầu tư cho đồng bào trên cả nước, bởi nhiều vùng còn nghèo khó hơn mình.

Ông Phạm Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Xác định được tầm quan trọng của NTM, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã đã vào cuộc một cách quyết liệt, vận động nhân dân tham gia. Với phương châm việc dễ làm trước, việc khó làm sau, Hương Sơn đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của nhân dân, để xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện các phong trào NTM.

Rừng cao su ở Hương Sơn cho thu nhập cao.


Để phát triển bền vững, toàn diện, xã Hương Sơn bắt đầu bằng việc phát huy truyền thống cần cù trong lao động, thế mạnh của một địa phương miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển cây công nghiệp. Từ những người trồng cao su đầu tiên thành công, đồng bào Cơ Tu ở Hương Sơn bắt đầu học nhau cách trồng cây cao su. Hiện toàn xã Hương Sơn đã trồng được 359 ha cao su, trong đó diện tích khai thác khoảng 100 ha, thu nhập từ 4 - 5 tỷ đồng/năm. Giờ đây ở Hương Sơn, hầu như nhà nào cũng trồng cây cao su, nhà ít thì một vài ha, nhà nhiều lên tới 5 - 6 ha. Nhiều hộ trồng cao su cho thu nhập cao, cá biệt có hộ thu từ 20 - 30 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Hương Sơn còn tập trung đầu tư, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, cây ăn quả. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, cải tạo chuồng trại, vườn tạp để chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, ngoài cao su, nông dân toàn xã còn trồng được khoảng 1.000 ha rừng keo. Nhiều gia đình xây dựng mô hình như kinh tế vườn với các cây trồng như dứa, chuối, khai thác sản phẩm phụ của rừng (mây, lá nón)... có tính bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân ở Hương Sơn bây giờ đã biết tự lực trong lao động sản xuất, đời sống ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã miền núi Hương Sơn tăng lên 19 triệu đồng/người/năm (năm 2009 là 7,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 5%.

Xã Hương Sơn giờ đây đã trở thành ngọn cờ đầu của huyện miền núi Nam Đông trên nhiều mặt phát triển kinh tế, xã hội. Những thành tích chung ấy của Hương Sơn có sự chung tay góp sức của bà con dân tộc Cơ Tu.

Quốc Việt