11:07 11/11/2018

Xã nghèo Tuyên Quang khởi sắc nhờ nguồn vốn Chương trình 135

Những năm qua, nguồn vốn Chương trình 135 được phát huy hiệu quả tại xã Bình An, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).

Chú thích ảnh
Từ sự hỗ trợ của Chương trình 135, nhiều hộ dân xã Bình An, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã có thêm tư liệu sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống.

Bên cạnh việc tuyên truyền người dân hiểu về lợi ích của các công trình mang lại để chung tay quản lý, sử dụng, chính quyền xã Bình An ưu tiên lựa chọn các đầu điểm xây dựng công trình cấp thiết nhất, có tính lan tỏa để đầu tư. Nhờ đó đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, góp phần làm thay đổi diện mạo xã miền núi đặc biệt khó khăn này.

Bình An là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình, kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 chiếm trên 78,6%. Người dân thiếu tư liệu sản xuất khiến tình trạng đói nghèo cứ mãi đeo bám. Vì vậy, đầu tư phát triển sản xuất được chính quyền xã Bình An đặc biệt quan tâm. Với đặc thù kinh tế của xã chủ yếu là nông lâm nghiệp nên chủ trương của nhà nước hỗ trợ người dân mua máy gặt, trâu sinh sản đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bà Phan Thị Lưu, thôn Bản Dạ, xã Bình An cho biết, trước đây, kinh tế gia đình bà rất khó khăn, phải đi mượn trâu để cày, bừa. Năm 2017, gia đình bà được nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng, cộng thêm tiền tiết kiệm bà đã mua được một con trâu. Từ khi mua được trâu, việc canh tác của gia đình rất chủ động. Hai tháng trước, trâu mẹ đã sinh được một nghé con. Bà hi vọng, cuộc sống gia đình chị sẽ ổn định hơn, sớm thoát nghèo.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bên cạnh việc lồng ghép với nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Bình An còn tổ chức lấy ý kiến người dân trong việc chọn các đầu điểm xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, từ năm 2015-2018 hàng loạt công trình nước sạch, đập thủy lợi được đầu tư đều mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như công trình nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch thôn Bản Dạ- Nà Xén, với tổng vốn đầu tư trên 300 triệu đồng, đã cung cấp nguồn nước sạch ổn định cho 120 hộ dân trên địa bàn.

Bà Bàn Thị Mai, thôn Bản Dạ, xã Bình An cho biết, trước đây, chưa có nguồn nước sạch gia đình bà cũng như người dân trong thôn phải dùng nước suối để sinh hoạt. Tuy nhiên, về mùa mưa nguồn nước trở nên đục ngầu không thể sử dụng được. Năm 2006, công trình nước sạch của thôn được nhà nước đầu tư xây dựng, năm 2017 công trình này tiếp tục được sửa chữa, nâng cấp. Giờ đây, nguồn nước được đấu nối đến từng hộ gia đình, không còn cảnh thiếu nước như trước.

Có thể khẳng định, nguồn vốn Chương trình 135 bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Diện mạo nông thôn xã miền núi đặc biệt khó khăn Bình An đang dần khởi sắc. Đời sống nhân dân được nâng cao, mức thu nhập tăng đáng kể từ 530.000 đồng/người/tháng (năm 2015)  lên mức 800.000 đồng/người/tháng (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã ngày càng giảm (từ 78,6% năm 2015 xuống còn 70% năm 2017).

Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” nên tất cả từ khâu từ chọn đầu điểm đến khi xây dựng, vận hành, chính quyền địa phương đều minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về hiệu quả mang lại từ các công trình được chú trọng nên hầu hết những công trình đã triển khai được nhân dân quản lý, vận hành tốt.

Do xuất phát điểm thấp nên nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng còn rất lớn, trong khi định mức vốn hàng năm phân bổ còn ít nên xã mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)