Y tế dự phòng: Bao giờ hết kém “dự”, ít “phòng”?

GS.TS Trịnh Quân Huấn (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng (YTDP).

Bài cuối: GS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: "Nỗ lực để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng”

Hệ thống tổ chức YTDP tuyến tỉnh, huyện còn phân tán, chưa được kiện toàn, gây khó khăn trong việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động của ngành. Bộ Y tế sẽ có giải pháp nào giải quyết vấn đề này, thưa Thứ trưởng?

Hệ thống tổ chức của YTDP tuyến tỉnh quả là đang bao gồm nhiều trung tâm y tế: Trung tâm YTDP, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Chi cục VSATTP, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Mắt, Lao.... Các trung tâm này đã tồn tại qua nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó có những trung tâm hiện không còn đảm đương những trọng trách như thời gian trước đây nữa. Do đó, chúng tôi đang đề nghị thành lập Viện YTDP tuyến tỉnh, để tập hợp một số trung tâm y tế như: Trung tâm Mắt, Lao, Da liễu, Trung tâm các bệnh xã hội... Đơn cử, trước đây nhiệm vụ phòng chống bệnh sốt rét là rất quan trọng và cần sự tồn tại độc lập của Trung tâm Phòng chống sốt rét. Nhưng nay, bệnh sốt rét hầu như đã được kiểm soát, vì vậy ở tỉnh nào mà sốt rét không còn thì Trung tâm Phòng chống sốt rét sẽ được sáp nhập vào Viện YTDP.

Theo tôi, phần tuyên truyền, giáo dục cũng nên đưa vào Viện YTDP tuyến tỉnh này để tạo thành đầu mối, vừa thực hiện đầy đủ các chức năng vừa tập trung nguồn lực, chứ để các trung tâm y tế phân tán như hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động chuyên môn.

Vậy nên, trong kế hoạch dài hạn từ nay đến năm 2015, chúng tôi sẽ đề nghị thành lập và xây dựng các viện YTDP tuyến tỉnh. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh việc tách hoặc nhập các trung tâm y tế để phù hợp với tình hình thực tiễn luôn biến động.

Để nâng cao năng lực cho hệ thống YTDP các tuyến, Bộ Y tế còn triển khai thêm giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?

Hiện nay, các viện (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên...) đều có các trang thiết bị xét nghiệm tương đối tốt. Ví như Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3, nằm trong giám sát cúm toàn cầu. Trước đây, chúng ta phải gửi bệnh phẩm sang nước ngoài nhưng nay đã có thể xét nghiệm trong nước.

Phun thuốc phòng cúm A/H1N1. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Chính vì thế, chúng tôi sẽ chú trọng việc đầu tư cho hệ thống giám sát tuyến tỉnh. Đa số các phòng xét nghiệm đều nằm ở Trung tâm YTDP tuyến tỉnh nhưng hiện chưa được đầu tư nhiều. Đầu tư tốt thì giám sát tốt, giám sát tốt có nghĩa chúng ta phát hiện bệnh sớm, đưa ra các giải pháp ngay và khoanh vùng, dập dịch tốt hơn thì dịch sẽ không "đến hẹn lại lên".

Để góp phần giải quyết tình trạng nhiều trung tâm YTDP đang thiếu trụ sở làm việc, phải đi thuê, Bộ Y tế đã có chủ trương sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu để xây dựng các trung tâm y tế tại các địa phương, để anh em sớm có trụ sở làm việc, có nơi để triển khai các hoạt động chuyên môn.

Vậy còn việc đổi mới chính sách về chế độ đãi ngộ nhằm "giữ” cán bộ, thu hút sinh viên vào hệ thống YTDP thì sao? Khi nào dịch bệnh hết "đến hẹn lại lên”, thưa Thứ trưởng?

Bộ Y tế đã hoàn tất việc xây dựng văn bản về chế độ chính sách ưu đãi nghề cho ngành y nói chung, trong đó có cả lĩnh vực YTDP. Chúng tôi đã trình và đang chờ Chính phủ phê duyệt văn bản này. Sau khi được phê duyệt, sẽ có những thay đổi về chế độ đãi ngộ theo hướng tăng phụ cấp cho những cán bộ trực tiếp chống dịch, các cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa...

Chúng tôi cũng đang đề nghị cần phải có chế độ ưu đãi thâm niên nghề cho những cán bộ có kinh nghiệm, công tác lâu năm trong ngành. Hiện nay, Bộ cũng đã tiến hành xây dựng nghị định này, đó là Nghị định về ưu đãi thâm niên nghề.

Về hoạt động đào tạo nhân lực YTDP, chúng tôi đã báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, báo cáo với Ban Cán sự Bộ Y tế về đề nghị: Sinh viên vào học mã ngành YTDP thì sẽ được miễn học phí. Dự kiến với khoảng 300 - 400 sinh viên tại các trường ĐH nếu vào ngành này thì mỗi năm cần đầu tư khoảng 5 - 10 tỷ đồng nhưng điều mà chúng ta thu lại được rất lớn, là sẽ có một đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản.

Hiện nay, ngành y tế rất nỗ lực để nâng cao năng lực cho hệ thống YTDP. Nhưng một mình ngành y tế cố gắng thôi thì chưa đủ, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống YTDP còn cần sự quan tâm hỗ trợ của nhiều ban, ngành, nhất là UBND các cấp. Theo tôi, chỉ khi nào các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 18/2008/NQ-QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội là "Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP”, chỉ khi nào hệ thống YTDP có đủ điều kiện về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất thì có lẽ khi đó tình trạng dịch bệnh mới không "đến hẹn lại nên”.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Liên
(thực hiện)

Y tế dự phòng: Bao giờ hết kém “dự”, ít “phòng”?
Y tế dự phòng: Bao giờ hết kém “dự”, ít “phòng”?

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng thực tế, hệ YTDP vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện, chế độ đãi ngộ cho cán bộ YTDP chưa tương xứng, việc đầu tư cho đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ YTDP đến nay vẫn chưa được tiến hành bài bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN