Triển khai bảo hiểm nông nghiệp: Sản xuất đúng quy trình mới được bảo hiểm

Người nông dân muốn được bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) phải thực hiện đúng quy trình sản xuất. Đây còn là tiền đề để bà con đi lên sản xuất lớn, hàng hóa, bền vững. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hồ Xuân Hùng tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm nông nghiệp - chỗ dựa của nhà nông” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua (9/8).

Sản xuất nông nghiệp theo quy trình

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp nông thôn, nhiều địa phương hiện nay bà con nông dân chưa biết rõ về BHNN, cũng như cách thức để bà con tiếp cận loại hình bảo hiểm này.

Lúa đông xuân trong giai đoạn chín ở huyện Phú Hòa (Phú Yên) bị ngã đổ chìm trong nước. Ảnh: Thế Lập - TTXVN


“Việc triển khai BHNN còn mới, ngay cả cán bộ liên quan còn chưa hiểu thấu đáo. Do đó, các tỉnh tổ chức thông tin cho người dân hiểu rõ về BHNN: đối tượng tham gia, thủ tục, cơ quan tư vấn... Khi gặp thiên tai, sự cố xảy ra người nông dân phải làm gì để bảo đảm được quyền lợi”, ông Lộc giải thích.

Sau hơn một tháng triển khai thí điểm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, vấn đề mấu chốt là người dân phải đảm bảo sản xuất đúng quy trình mà Bộ NN&PTNT đã ban hành. Hiện tại, trong Thông tư 47, Bộ NN&PTNT đã ban hành đầy đủ quy trình trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng hướng dẫn cho người dân và tổ chức lại sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho bà con.
“Chỉ có sản xuất đúng quy trình, người nông dân mới nhận được bảo hiểm. Đây còn là tiền đề để bà con đi lên sản xuất lớn, hàng hóa, bền vững ” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết.

Theo Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ vào quy trình sản xuất của bà con để xác minh tổn thất đó có thuộc phạm vi bảo hiểm. Nếu không đảm bảo quy trình sản xuất, cơ quan bảo hiểm sẽ từ chối chi trả để tránh hiện tượng trục lợi.

Trước đây chúng ta tiếp cận bảo hiểm theo cách truyền thống, bảo hiểm mọi rủi ro cho từng đối tượng hộ gia đình. Lần này, ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, qua nghiên cứu thị trường bảo hiểm quốc tế cũng như rút kinh nghiệm tại Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia thí điểm BHNN đã xây dựng gói sản phẩm bảo hiểm áp dụng cho quy mô toàn xã, lấy số đông bù số ít và mang tính hỗ trợ là chủ yếu. Hy vọng gói sản phẩm này sẽ có tính khả thi và gần gũi với người dân hơn.

Chưa có văn bản hướng dẫn

Mặc dù Quyết định 315/QĐ - TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN tại 20 tỉnh giai đoạn 2011 – 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, phải đến giữa tháng 9, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành đầy đủ.

Ông Hùng cho biết, ngày 29/6/2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 47/2011/TT - BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN, trong đó công bố được 3 điểm quan trọng: Các loại thiên tai được bảo hiểm; các dịch bệnh được bảo hiểm và quy trình, quy mô sản xuất được bảo hiểm.

Bộ NN&PTNT cũng đã mời tất cả 20 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm BHNN họp để định hướng cách triển khai và tuyên truyền cho người dân. Cho đến thời điểm này, các địa phương đều đang nỗ lực triển khai áp dụng BHNN.

Tuy nhiên, các địa phương mới triển khai ở mức độ thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác về BHNN và đưa Thông tư 47 vào nội dung tuyên truyền. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, nhiều địa phương chưa hoàn thành việc xác định vùng bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn mức thu – chi bảo hiểm. Do đó, chưa thể tính toán cho người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHNN để khuyến khích họ tham gia. Phải đến hết tháng 8, thậm chí là giữa tháng 9 mới xong được các văn bản hướng dẫn triển khai.

V.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN