Thông tin khách quan, trung thực về doanh nghiệp

Tại diễn đàn đối thoại giữa nhà báo với doanh nhân, doanh nghiệp diễn ra ngày 10/6 tại Hà Nội vừa qua, nhiều ý kiến ghi nhận những đóng góp của báo chí, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhà báo gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ trì tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khái quát: Báo chí và doanh nhân cần đồng hành, cần là bạn và đã là bạn thì cần chân thành, nói đúng, nói thật…

Cần sòng phẳng

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp (DN), có một phần được mang tới từ giới truyền thông. Vì vậy, báo chí và doanh nhân cần đồng hành, báo chí cần ghi nhận những điều đúng để phát huy và chỉ ra cái sai để DN khắc phục. Báo chí phải có cái nhìn khách quan, nêu cao tinh thần đạo đức nghề nghiệp, tránh vì một câu nói sai, một bài viết phiếm diện mà dồn DN vào những khó khăn, rồi dẫn tới phá sản.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn bộc bạch, DN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Báo chí nên hỗ trợ và động viên nhiều hơn, nói nhiều hơn về cái tốt và bớt nói về cái xấu. “Thực tế nhiều DN rất sợ gặp báo chí” - ông Đoàn đặt vấn đề về sự sòng phẳng trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nhân. Nếu báo chí đưa thông tin sai gây thiệt hại cho DN thì phải chịu trách nhiệm, kể cả là trách nhiệm vật chất.

Đối thoại giữa doanh nghiệp và báo chí ngày càng cởi mở hơn. Ảnh: dddn.com.vn

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi ghi nhận sự thành công của DN một phần có sự đóng góp của các nhà báo và đó là kết quả của sự đồng hành giữa báo chí và DN. Ranh giới giữa nhà báo và doanh nhân không có gì ghê gớm, nhưng mỗi nghề mỗi khác, nên phải có sự hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”.

Theo ông Thanh, nhà báo cần có cái tâm trong sáng khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Nhà báo không nên dùng nhiều từ nặng nề quá, không nên rút tít cắt xén câu để gây ấn tượng, không hỏi những câu hỏi mà người trả lời không có quyền năng và khả năng trả lời… Ông Thanh dẫn chứng cụ thể mà mình gặp phải, khi phóng viên của một cơ quan báo chí đến phỏng vấn về đề tài đường BOT. Câu hỏi phóng viên đặt ra là ông có thấy lợi ích nhóm trong các dự án BOT này không? Ông có thấy biểu hiện tham nhũng trong dự án BOT không? Ông Thanh không trả lời, thì phóng viên nói ông vô trách nhiệm với cộng đồng DN?!

Giải đáp ý kiến của các doanh nhân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) Thuận Hữu ghi nhận những đóng góp của đại diện DN đối với báo chí. Bản thân các cơ quan báo chí phải nêu cao trách nhiệm trong quản lý, điều hành, chỉ đạo phóng viên, đặc biệt là chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên khi tác nghiệp. Bản thân nhà báo cũng phải luôn tự trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn, đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các DN hiện vẫn chưa thật sự cởi mở với báo chí.

“Tôi đề nghị các doanh nhân hiểu thêm về Luật Báo chí, để khi cần thiết có cách ứng xử với báo chí, phóng viên cho đúng luật. DN cũng phải xem xét cách ứng xử, nêu cao đạo đức kinh doanh, không lợi dụng báo chí đả kích đối phương, tấn công lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh… Doanh nghiệp phải công khai thông tin, cái gì sai thì nói sai, đúng thì nói đúng”, Chủ tịch VJA yêu cầu.

Cùng chia sẻ

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, doanh nhân và nhà báo là hai lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, là người bạn đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Báo chí chính là cầu nối hữu hiệu giữa DN với Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Báo chí và DN có mối quan hệ hai chiều, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. DN cần báo chí truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh và để đưa thông tin, quảng bá thương hiệu, để động viên khích lệ thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm, DN còn cung cấp nguồn tài chính đáng kể (thông qua hoạt động quảng cáo, marketing) đối với các cơ quan báo chí.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ: “Cộng đồng DN sẽ không có được sự phát triển như ngày hôm nay nếu không có sự phối hợp, ủng hộ, đồng hành của báo giới. Quan hệ giữa báo chí và DN là quan hệ máu thịt, đối tác, đồng hành trong quá trình phát triển”.
Chủ tịch VCCI cho rằng, báo chí có công đầu trong công cuộc đổi mới và cải cách nền kinh tế. Nếu không có báo chí thì ý kiến của DN khó có thể đến được với các nhà quản lý, trở thành áp lực đối với cơ quan Nhà nước trong việc cải cách thể chế.

Cụ thể, vụ việc quán cà phê Xin Chào tại TP Hồ Chí Minh (năm 2016), nếu báo chí không vào cuộc phản ánh thì môi trường kinh doanh của DN sao được thuận lợi… Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, hoạt động đúng hướng và sự tận tâm, chuyên nghiệp của những người làm báo sẽ thúc đẩy sự phát triển của DN. Ngược lại, hành xử không đúng của nhà báo cũng mang lại nỗi đau cho DN. Thực tế rất nhiều cuộc khủng hoảng truyền thông thời gian qua đã cho thấy DN phải trả giá, tổn phí, thiệt hại lớn.

“Để thông tin lên báo chí về sản xuất kinh doanh của DN ngày càng có chất lượng, hiệu quả thì DN và báo chí cần hướng tới tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xử lý thông tin. Báo chí và doanh nhân, DN cần tăng thêm sự chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau”.

Ông Thuận Hữu, chủ tịch VJA



Bài và ảnh: Hoàng Việt
Báo chí đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng ĐBSCL
Báo chí đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng ĐBSCL

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sáng 17/6 tại thành phố Cần Thơ, tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam với sự tham gia của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và đại diện trên 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN