Thị trường việc làm: Nhiều cơ hội, thiếu nắm bắt

Những tháng đầu năm 2014, thị trường lao động có chiều hướng “ấm lên”, cơ hội việc làm của người lao động cũng theo đó mà nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là cơ hội chỉ dành cho những lao động có tay nghề, còn với những lao động phổ thông thì khó khăn vẫn hoàn khó khăn.


Chỉ tuyển lao động có tay nghề


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn có những tín hiệu tích cực, tạo đà phát triển cho thị trường lao động hiện tại cũng như những tháng tiếp theo. “Chỉ riêng trong tháng 3, nhu cầu tuyển dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 20.000 chỗ làm mới. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh, bán hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ, dệt may, da giày, chăm sóc khách hàng, cơ khí...”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.

 

Người lao động nhộn nhịp tìm việc làm mới tại các sàn giao dịch việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 
Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các doanh nghiệp đều nhắm vào đối tượng lao động đã qua đào tạo nghề (chiếm khoảng 70% tổng số nhu cầu tuyển dụng). Theo phân tích, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 30%, sơ cấp đến trung cấp chiếm 40%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 30%. “Tại khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) ngành dệt may, da giày đang có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều lao động do có đơn hàng rất dồi dào, tuy nhiên họ lại chỉ tuyển những lao động có kinh nghiệm, đã qua đào tạo”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.


Ông Tuấn lý giải: Hiện nay tổng số lao động làm việc tại các KCX - KCN là hơn 270.000 lao động, trong đó số lượng lao động qua đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, doanh nghiệp trong KCX - KCN nếu có tuyển dụng lao động mới cũng sẽ ưu tiên chọn nguồn lao động có tay nghề, có kinh nghiệm, vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa không phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại.


Tại thành phố Hà Nội, tình trạng cũng tương tự. “Thực tế qua các phiên giao dịch việc làm gần đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhựa, bao bì, xây dựng cũng đã tăng trưởng khá. Tuy nhiên, đó chỉ là “khởi sắc” tại các trung tâm việc làm, còn chuyện không “sáng sủa” như vậy với người lao động nếu xét về nhu cầu tuyển dụng trên các trạng mạng. Hiện các trang mạng chỉ tập trung tuyển nhân sự có trình độ cao. Theo khảo sát của một số trang mạng tìm kiếm việc làm cũng cho thấy tín hiệu tích cực tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, quản trị và với thực tế này thì lao động phổ thông”, một đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.


Từ thực tế trên cho thấy, vẫn còn bất cập trong thị trường lao động Việt Nam, khi mà lực lượng lao động phổ thông chiếm quá đông, còn nhu cầu tuyển dụng thì lại ngày càng đòi hỏi trình độ cao hơn.


Cần “nâng tầm” chất lượng lao động


“Tình trạng thừa lao động phổ thông và thiếu lao động có tay nghề vẫn chưa có gì thay đổi nhiều so với năm 2013, chính vì vậy trong năm 2014, thị trường nhân lực Việt Nam vẫn đang tăng trưởng đều đặn về số lượng, nhưng chưa thực sự cải thiện về chất lượng”, một đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH) nhận định.


Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết: Có tới 83% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, bên cạnh đó đào tạo nghề còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Chính vì vậy, dù nguồn cung lao động dồi dào, nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.


Để giải bài toán “khó” này, trong năm 2014, Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chương trình dạy nghề nông thôn (chương trình 1956) bám sát vào nhu cầu thực tế theo từng vùng, dựa trên khảo sát nhu cầu của người học và thị trường. “Việc đào tạo nghề cho các đối tượng di cư cần được quan tâm, nhất là những vùng có dự án thu hồi đất cho giải phóng mặt bằng, chương trình dự án, việc đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để người lao động ra có việc làm và không lãng phí về thời gian và tiền của cho đào tạo”, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết.


Bên cạnh đó, để nắm bắt cơ hội việc làm, bản thân người lao động cũng cần “tự cứu mình” bằng cách nâng cao trình độ, liên tục học hỏi nâng cao tay nghề, tham gia các khóa đào tạo để đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. “Theo phân tích của chuyên gia lao động, những dấu hiệu kinh tế khởi sắc gần đây của thị trường lao động trong năm 2014 là do xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam; đồng thời nguồn vốn tín dụng cho năm 2014 khá lớn, trong đó ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, chính vì vậy, cơ hội việc làm trong năm 2014 sẽ ngày càng dồi dào hơn. Điều quan trọng là người lao động phải biết nắm bắt lấy thuận lợi này và tự tạo ra cơ hội cho mình”, một chuyên gia cho biết.


Bài và ảnh: Xuân Cường - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN