Thái Nguyên giúp đồng bào Mông thoát nghèo-Bài cuối: Cú hích để thoát nghèo

Trước thực trạng đói nghèo ở vùng đồng bào Mông, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020”.

Ổn định lương thực

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, ông Triệu Minh Thái, cho biết: “Đề án sẽ từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào Mông về ứng dụng khoa học kỹ thuật, sinh đẻ có kế hoạch, phát huy tinh thần đoàn kết và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kiên quyết đấu tranh với thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... Mục tiêu của Đề án là phấn đấu giảm nghèo bình quân mỗi năm 7% trở lên theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.

Hy vọng đề án hỗ trợ đồng bào Mông của tỉnh Thái Nguyên sẽ thổi luồng sinh khí mới làm thay đổi xóm nghèo.


Riêng trong năm 2014, Đề án sẽ cơ bản hoàn thành đầu tư một số tuyến đường giao thông đến các xóm, bản theo tiêu chí đường nông thôn mới với số lượng 16 công trình. Trong giai đoạn tiếp theo 2014 - 2015 và 2016 - 2020, Đề án sẽ tiếp tục dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xóm khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống về điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt tập trung, lớp học, nhà văn hóa...

Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” với tổng kinh phí trên 116,5 tỷ đồng sẽ hỗ trợ 26 xóm, bản của 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 45% thuộc 4 là Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa ở một số nội dung như: Xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; cung cấp vật tư, giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi để nâng cao đời sống đồng bào...

Trước đó, năm 2013, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ hơn 65 tỷ đồng để 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho 47 xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống; trong đó, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là gần 63 tỷ đồng (chủ yếu làm đường giao thông, với vốn chi hơn 55,5 tỷ đồng). Nhờ tập trung đầu tư, nên đến thời điểm này, chỉ còn 3/47 xóm chưa có đường ô tô đến trung tâm xóm.

Trong khi chờ đề án được phê duyệt, tháng 9/2014, tỉnh Thái Nguyên đã linh động ứng trước ngân sách để thực hiện hỗ trợ cấp giống ngô lai cho đồng bào Mông cho kịp mùa vụ, với định mức 20 kg/ha, giá 110.000 đồng/kg. Đây là một việc làm thể hiện quyết tâm rất lớn của Thái Nguyên trong việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào Mông.

“Để người dân thoát được nghèo đói bền vững, cần phải giúp họ ổn định lương thực. Không còn phải lo đói, nghèo, họ sẽ tập trung được vào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tất cả các huyện có đồng bào Mông sinh sống đã chủ động cấp phát ngô giống và đồng bào đã bắt tay vào gieo trồng”, ông Thái cho biết.


Thí điểm để nhân rộng


Năm 2013, vốn chi hỗ trợ sản xuất, đời sống cho 47 xóm có đồng bào dân tộc Mông của Thái Nguyên chỉ chiếm con số quá khiêm tốn, với hơn 2,5 tỷ đồng. Không những vậy, số kinh phí này lại bị chia nhỏ ra thành nhiều nội dung hỗ trợ cho 47 xóm (thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo; khuyến nông; hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ điện thắp sáng; hỗ trợ mua thiết bị sản xuất...). Chính việc dàn trải nguồn vốn ít ỏi này càng làm cho chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, Trong 2 năm 2014 - 2015, 4 huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa cần hơn 157,5 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ cho 47 xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong đó, vốn hỗ trợ sản xuất, đời sống đã được dự toán nâng lên hơn 51,3 tỷ đồng.

Ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đời sống phát huy hiệu quả, thì điều cần thiết là các sở ngành liên quan, các địa phương phải xây dựng những mô hình điểm; lựa chọn những cá nhân tích cực để dồn vốn hỗ trợ. Mô hình điểm không chỉ nhằm phát huy hiệu quả vốn chính sách, mà quan trọng hơn là có tác dụng khuyến khích các hộ khác tích cực tham gia, từng bước đẩy lùi tính ỷ lại, trông chờ của đối tượng được thụ hưởng. Đề án đã phân ra xây dựng các hình thức hỗ trợ dài hơi: Trồng cây ăn quả; phát triển trồng rừng; phát triển chăn nuôi trâu, bò theo điều kiện của từng địa phương. Về lâu dài, các mô hình điểm sẽ giúp cho đồng bào Mông tiếp cận với cách làm ăn mới, thay đổi tư duy; từng bước hình thành phương thức nuôi, trồng theo phương thức hàng hóa, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Rõ ràng, việc đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông có ý nghĩa hết sức quan trọng. Là trung tâm kinh tế - chính trị của trung du Bắc Bộ, Thái Nguyên đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi mà vẫn còn nhiều bản làng đồng bào dân tộc Mông có tỷ lệ nghèo quá cao (thậm chí có 3 xóm tỷ lệ nghèo 100%) thì trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền là không nhỏ. Phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để giải quyết tình trạng nhức nhối mất an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông là vấn đề mà Thái Nguyên phải quan tâm.


Bài và ảnh: Minh Đức

Thái Nguyên giúp đồng bào Mông thoát nghèo- Bài 1: Đói nghèo vì nhiều con
Thái Nguyên giúp đồng bào Mông thoát nghèo- Bài 1: Đói nghèo vì nhiều con

Trung bình mỗi hộ gia đình ở vùng dân tộc Mông Thái Nguyên có từ 5 - 6 con. Em nào học cao cũng chỉ đến lớp 9 là ở nhà làm nương, lập gia đình, rồi lại sinh con. Con người sinh sôi chứ đất không nảy nở ra, vòng quay của nghèo đói cứ kéo hết từ đời này sang đời khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN